Kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi nào? Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì?
- Kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi nào?
- Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì?
- Có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với hàng hóa bị kiểm soát khẩn cấp hay không?
- Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì?
Kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi nào?
Căn cứ Điều 100 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa bao gồm:
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
- Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
- Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi nào? Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì?
Căn cứ Điều 101 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định như sau:
Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp
1. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp chỉ được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Điều 100 của Luật này.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo quy định tại Chương II của Luật này.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp phải đánh giá, lựa chọn biện pháp gây ít cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương.
4. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp được bãi bỏ khi không còn các trường hợp quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc thông qua thương lượng, đàm phán.
Theo đó, khi áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp các bên cần đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc nêu trên.
Có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với hàng hóa bị kiểm soát khẩn cấp hay không?
Căn cứ Điều 11 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu như sau:
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
Đồng thời, căn cứ Điều 12 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định:
Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật này;
b) Hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
2. Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu bị bãi bỏ khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc hàng hóa không còn thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương là một trong những trường hợp có thể được áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp là gì?
Căn cứ Điều 26 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
- Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.
Đồng thời, căn cứ Điều 27 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;
c) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật này.
2. Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương.
Như vậy, hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương là một trong những trường hợp có thể được áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?