Khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực hộ tịch khi sáp nhập huyện, xã được Bộ Tư pháp hướng dẫn như thế nào?
Bộ tư pháp hướng dẫn giải đáp khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực hộ tịch khi sáp nhập huyện, xã ra sao?
Ngày 31/08/2023, Bộ tư pháp ban hành Công văn 3792/BTP-HTQTCT năm 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, đối với lĩnh vực hộ tịch, Bộ tư pháp hướng dẫn như sau:
* Các vướng mắc có thể phát sinh:
(1) Chưa xác định được cơ quan lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
(2) Chưa xác định được cơ quan có trách nhiệm xác minh/xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân đối với trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính đã được sắp xếp.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất theo hướng:
- Về việc lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch:
+ Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập (các đơn vị được sáp nhập) vào một đơn vị hành chính cấp xã khác (đơn vị sáp nhập): Các đơn vị được sáp nhập cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và bàn giao toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch cho đơn vị sáp nhập để lưu trữ. Việc đăng ký hộ tịch, bao gồm cả đăng ký mới sẽ tiếp tục sử dụng Sổ hộ tịch hiện có của đơn vị sáp nhập, không thay đổi số thứ tự đăng ký.
+ Trường hợp sáp nhập hai hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã (các đơn vị được sáp nhập) để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới (đơn vị mới): Các đơn vị được sáp nhập cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để lưu trữ tại đơn vị mới. Việc đăng ký hộ tịch tại đơn vị mới sẽ mở Sổ hộ tịch mới, quyển số 01, ghi số thứ tự đăng ký từ số 01.
+ Trường hợp tách toàn bộ diện tích và nhân khẩu của một đơn vị hành chính cấp xã ra làm nhiều phần (đơn vị được tách) và sáp nhập vào các đơn vị hành chính cấp xã khác nhau (các đơn vị sáp nhập): Đơn vị được tách thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để bàn giao, lưu trữ tại đơn vị sáp nhập có phần lớn diện tích, nhân khẩu nhập vào.
Đơn vị sáp nhập nhận bàn giao bản gốc Sổ hộ tịch có trách nhiệm sao 01 bản cho các đơn vị sáp nhập khác lưu trữ để làm căn cứ cấp Trích lục hộ tịch bản sao từ Sổ hộ tịch đăng ký tại đơn vị được tách trước đây và giải quyết các công việc hộ tịch khác khi người dân có yêu cầu.
Việc bàn giao Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch phải được lập Biên bản bàn giao, có Danh mục thống kê chi tiết để lưu trữ tại cơ quan nhận bàn giao và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, tổng hợp và công khai thông tin để người dân biết, liên hệ với cơ quan quản lý sổ hộ tịch để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch phù hợp.
Về việc xác minh tình trạng hôn nhân: Trường hợp nhận được văn bản đề nghị xác minh tình trạng hôn nhân của người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại đơn vị cấp xã/cấp huyện đã được sắp xếp, thì đơn vị nhận bàn giao Sổ hộ tịch có trách nhiệm trả lời việc xác minh tình trạng hôn nhân cho người dân đã từng đăng ký thường trú tại địa bàn.
Bộ tư pháp hướng dẫn giải đáp khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực hộ tịch khi sáp nhập huyện, xã? (Hình từ Internet)
Nội dung đăng ký hộ tịch bao gồm những nội dung gì?
Nội dung đăng ký hộ tịch được quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
+ Khai sinh
+ Kết hôn
+ Giám hộ
+ Nhận cha, mẹ, con
+ Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch
+ Khai tử.
- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Thay đổi quốc tịch;
+ Xác định cha, mẹ, con;
+ Xác định lại giới tính;
+ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
+ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
+ Công nhận giám hộ;
+ Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký hộ tịch dựa trên những nguyên tắc nào?
Theo Điều 5 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nguyên tắc đăng ký hộ tịch như sau:
- Tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.
- Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác; trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Đối với những việc hộ tịch mà Luật Hộ tịch 2014 này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
- Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định.
Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến UBND cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.
- Mọi sự kiện hộ tịch sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
- Nội dung khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục đăng ký hộ tịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản trang thiết bị của cơ quan đơn vị theo Nghị định 138?
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?