Khi nào được lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh? Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh?
Khi nào được lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh?
Theo khoản 1 Điều 45 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là dự phòng phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra do giảm giá các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ vì mục đích kinh doanh.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 15 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định như sau:
Tài khoản 121 - Chứng khoán kinh doanh
1. Nguyên tắc kế toán
...
b) Chứng khoán kinh doanh phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng. Giá gốc của chứng khoán kinh doanh được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh. Thời điểm ghi nhận các khoản chứng khoán kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có quyền sở hữu, cụ thể như sau:
- Chứng khoán niêm yết được ghi nhận tại thời điểm khớp lệnh (T+0);
- Chứng khoán chưa niêm yết được ghi nhận tại thời điểm chính thức có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
c) Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thị trường của chứng khoán kinh doanh bị giảm xuống thấp hơn giá gốc, kế toán được lập dự phòng giảm giá.
...
Theo đó, nếu như cuối niên độ kế toán mà giá trị thị trường của chứng khoán kinh doanh bị giảm xuống thấp hơn giá gốc thì kế toán được lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Khi nào được lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh?
Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 45 Thông tư 200/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:
(1) Doanh nghiệp được trích lập dự phòng đối với phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra khi có bằng chứng chắc chắn cho thấy giá trị thị trường của các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ vì mục đích kinh doanh bị giảm so với giá trị ghi sổ.
(2) Điều kiện, căn cứ và mức trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng thực hiện theo các quy định của pháp luật.
(3) Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay cao hơn số dư dự phòng đang ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ.
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay thấp hơn số dư dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì doanh nghiệp hoàn nhập số chênh lệch đó và ghi giảm chi phí tài chính.
* Phương pháp kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh:
- Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của các khoản chứng khoán kinh doanh, nếu số phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291).
- Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của các khoản chứng khoán kinh doanh, nếu số phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
- Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh trước khi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần: Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (số chưa được dự phòng)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (số được ghi giảm khi xác định giá trị doanh nghiệp)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (số dự phòng đã lập cao hơn số tổn thất).
Tài khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh phản ánh nội dung gì?
Tài khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh được quy định tại khoản 2 Điều 45 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:
Tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản
...
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản
...
Tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản có 4 tài khoản cấp 2
Tài khoản 2291 - Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Tài khoản 2292 - Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn.
Tài khoản 2293 - Dự phòng phải thu khó đòi: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng các khoản phải thu và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khó đòi.
...
Theo đó, Tài khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh - Tài khoản 2291: phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trách nhiệm khai báo sử dụng thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động? Nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động?
- Tổ chức phong trào thi đua thường xuyên của Dân quân tự vệ phải xác định rõ những yêu cầu như thế nào?
- Mã số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thay đổi khi cấp chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo Nghị định 175 không?
- Lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với công trình nào theo quy định?
- Hóa đơn điện tử bị sai nội dung hàng hóa chưa gửi cho người mua thì xử lý như thế nào? Các bên sử dụng thông tin hóa đơn điện tử?