Khi ly hôn thì ngôi nhà mua trả góp của hai vợ chồng sẽ được chia như thế nào? Nếu ly hôn và đã chia ngôi nhà cho vợ thì chồng có quyền ở lại nữa hay không?
Ngôi nhà mua trả góp có được chia khi hai vợ chồng ly hôn hay không?
Ngôi nhà mua trả góp có được chia khi hai vợ chồng ly hôn hay không? (Hình từ Internet)
Để xem xét việc chia căn nhà trả góp khi ly hôn, trước hết ta phải xác định căn nhà này là tài sản riêng hay tài sản chung. Việc xác định ngôi nhà trả góp là tài sản chung hay tài sản riêng phải căn cứ vào các yếu tố:
- Hai vợ chồng có thỏa thuận đây là tài sản chung hay tài sản riêng hay không?
- Số tiền dùng để đặt trước và số tiền dùng để trả góp hàng tháng là thu nhập từ tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng?
Cụ thể:
Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Và theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Trong trường hợp, ngôi nhà mua trả góp là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì khi ly hôn sẽ được chia cho cả hai vợ chồng. Còn nếu là tài sản riêng sẽ không được chia.
Khi ly hôn thì ngôi nhà mua trả góp của hai vợ chồng sẽ được chia như thế nào?
Căn cứ vào Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc chia tài sản sẽ do hai bên thỏa thuận hoặc thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
- Lỗi của mỗi bên khi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng...
Đồng thời, tài sản chung của vợ, chồng được chia theo hiện vật. Nếu không chia theo hiện vật thì chia theo giá trị: Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Ví dụ, căn nhà được mua trả góp và vẫn đang trong thời hạn trả nợ. Nếu hai vợ chồng chia tài sản khi ly hôn thì có thể thực hiện theo phương án:
- Người vợ hoặc người chồng sẽ nhận được ngôi nhà và có nghĩa vụ trả số tiền chênh lệch cho người còn lại căn cứ vào các nguyên tắc nêu trên;
- Hai người hoàn tất việc trả góp, bán căn nhà và chia đôi số tiền có được từ việc bán nhà...
Đáng lưu ý: Khi thực hiện chia đôi thì phải căn cứ vào các yếu tố đã nêu ở trên.
Nói tóm lại, việc chia ngôi nhà đang trả góp khi ly hôn trước hết căn cứ vào thỏa thuận của vợ chồng. Nếu hai bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không hợp pháp thì có thể nhờ Tòa án giải quyết theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét đến một vài yếu tố đã nêu ở trên.
Sau ly hôn và khi đã chia ngôi nhà mua trả góp cho vợ thì chồng có quyền ở lại ngôi nhà đó nữa hay không?
Tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sau ly hôn và khi đã chia ngôi nhà mua trả góp cho vợ thì chồng vẫn có quyền ở lại ngôi nhà đó. Nếu gặp khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ dân sự có mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Luật nào?
- Siêu hình trong triết học là gì? Phương pháp siêu hình là gì? Sinh viên học môn triết học có nhiệm vụ gì?
- Ngày 8 tháng 12 âm lịch là ngày gì? Ngày 8 tháng 12 âm lịch có phải là ngày lễ nghỉ nguyên lương của người lao động không?
- Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng là gì? Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh được xác định thế nào?
- Mẫu Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng mới nhất theo Nghị định 147 như thế nào?