Hướng dẫn về việc khoanh tiền thuế nợ theo Công văn 140/TCT-QLN 2024 bởi Tổng Cục thuế như thế nào?
Hướng dẫn về việc khoanh tiền thuế nợ theo Công văn 140/TCT-QLN 2024 bởi Tổng Cục thuế như thế nào?
Ngày 11/01/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn 140/TCT-QLN 2024 hướng dẫn về việc khoanh tiền thuế nợ.
Theo đó, tại Công văn 140/TCT-QLN 2024, Tổng Cục thuế hướng dẫn về việc khoanh tiền thuế nợ như sau:
(1) Về việc khoanh tiền thuế nợ đối với người nộp thuế có quyết định giải thể và người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký:
Căn cứ các quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trường hợp người nộp thuế được khoanh nợ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019 thì thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh đăng tải thông tin về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh (đối với trưởng hợp quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Quản lý 2019) hoặc từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh (đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019).
Số tiền thuế nợ được khoanh là số tiền thuế nợ tại thời điểm bắt đầu của thời gian khoanh nợ. Sau thời điểm khoanh nợ nêu trên mà người nộp thuế phát sinh thêm các khoản tiền thuế nợ thì cơ quan thuế thực hiện phân loại số tiền thuế nợ này theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TCT 2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
(2) Về việc khoanh tiền thuế nợ đối với người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện:
Căn cứ các quy định tại tiết đ khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 126/2020/NĐ-CP , trường hợp người nộp thuế được khoanh nợ theo quy định tại khoản 5 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019 thì thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc từ ngày có hiệu lực của quyết định thu hồi giấy chứng nhận dăng ký kinh doanh.
Trong thời gian từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị thu hồi gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đến ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có quyết định thu hồi hoặc có văn bản về việc không thu hồi thì cơ quan quản lý thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý thuế. Do đó, Cục Thuế căn cứ tình trạng thực tế của người nộp thuế trên địa bàn quản lý để thực hiện các biện pháp cưỡng chế hoặc thực hiện khoanh nợ theo quy định.
Hướng dẫn về việc khoanh tiền thuế nợ theo Công văn 140/TCT-QLN 2024 bởi Tổng Cục thuế như thế nào? (Hình từ internet)
Hồ sơ thực hiện khoanh nợ gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ thực hiện khoanh nợ gồm có các giấy tờ như sau:
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019: Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019: Quyết định giải thể của người nộp thuế và thông tin về tên, mã số doanh nghiệp, thời gian đăng tải thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh (gọi tắt là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh).
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019: Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019: Văn bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ liên lạc và thông báo của cơ quan quản lý thuế về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 5 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019: Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý thuế gửi đến cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
Trình tự thủ tục khoanh nợ được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục khoanh nợ được thực hiện như sau:
- Đối với các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019, khi có đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành quyết định khoanh nợ theo Mẫu số 01 /KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm bắt đầu của thời gian khoanh nợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ mà Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CĐ. Cơ quan quản lý thuế tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
- Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ, khi đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và thực hiện xóa nợ theo quy định.
- Trường hợp người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được khoanh nợ mà cơ quan quản lý thuế phát hiện người nộp thuế đó thành lập cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp khác thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và thực hiện tính tiền chậm nộp kể từ ngày người nộp thuế được khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Việc điều chỉnh vị trí việc làm thực hiện như thế nào?
- Người bị dẫn độ tạm thời có phải trả lại ngay cho Việt Nam sau khi quá trình tố tụng hình sự nước yêu cầu kết thúc không?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THCS mới nhất? Tải về mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 trường THCS ở đâu?
- Rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm các loại rủi ro nào? Thời hạn báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng?
- Nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án Truyền thông phòng chống tác hại của rượu bia đến năm 2030 như nào?