Hướng dẫn chi tiết cách tính thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động là cá nhân cư trú theo 02 cách?
- Hướng dẫn chi tiết cách tính số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động là cá nhân cư trú theo 02 cách?
- Làm cách nào để xác định người nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú?
- Đã nộp thuế TNCN nhưng có thu nhập tính thuế TNCN chưa đến mức phải nộp thuế thì có được hoàn thuế không?
Hướng dẫn chi tiết cách tính số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động là cá nhân cư trú theo 02 cách?
Trường hợp 1: Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên:
Căn cứ tại Phụ lục: 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC - Bảng hướng dẫn phương pháp tính thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
BẢNG HƯỚNG DẪN
PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ THEO BIỂU THUẾ LŨY TIẾN TỪNG PHẦN
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp Cách 1 | Tính số thuế phải nộp Cách 2 |
1 | Đến 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT - 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT - 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT - 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT - 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT - 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT - 9,85 trđ |
Trong đó, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC, Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo công thức sau:
Thuế TNCN từ tiền lương, tiền công = Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công (1) x Thuế suất |
Thu nhập tính thuế (1) = Thu nhập chịu thuế (2) - Các khoản giảm trừ (3)
Thu nhập chịu thuế (2) = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn
Cụ thể:
(2) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập từ tiền lương, tiền công mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế, bao gồm:
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công (điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012);
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản (điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012):
+ Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;
+ Phụ cấp quốc phòng, an ninh;
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
+ Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;
+ Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động;
+ Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
(3) Các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công bao gồm:
- Các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện;
- Giảm trừ gia cảnh:
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được thực hiện theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, như sau:
+ Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
+ Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
- Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo:
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
- Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;
- Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
Trường hợp 2: Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Căn cứ tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).
Tức là cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền cồng mỗi lần nhận từ 02 triệu đồng trở lên phải nộp thuế với mức 10%, trừ trường hợp làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện.
Số thuế phải nộp được tính như sau:
Thuế TNCN phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả |
Lưu ý: Các nội dung liên quan đến thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh tại Điều 7, Điều 8 Thông tư này bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Hướng dẫn chi tiết cách tính số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động là cá nhân cư trú theo 02 cách? (Hình từ Internet)
Làm cách nào để xác định người nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì người nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú khi đối tượng này đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Điều kiện 1: Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày.
Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam.
Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều kiện 2: Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
- Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
- Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
Trường hợp 2: Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
- Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại trường hợp 1 nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
- Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
Đã nộp thuế TNCN nhưng có thu nhập tính thuế TNCN chưa đến mức phải nộp thuế thì có được hoàn thuế không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 về quản lý thuế và hoàn thuế:
Quản lý thuế và hoàn thuế
1. Việc đăng ký thuế, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các biện pháp quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2. Cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau đây:
a) Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;
b) Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;
c) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, cá nhân đã nộp thuế TNCN nhưng có thu nhập tính thuế TNCN chưa đến mức phải nộp thuế thì được hoàn thuế theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?
- Báo cáo kiểm điểm chi ủy chi bộ thôn cuối năm 2024? Tải mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể chi bộ thôn mới nhất 2024 ở đâu?