Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào?
- Giải thưởng khoa học công nghệ bao gồm những Giải thưởng nào theo Nghị định 18/2024/NĐ-CP?
- Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào?
- Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào?
- Nguyên tắc đề nghị xét tặng Giải thưởng về khoa học công nghệ như thế nào?
Giải thưởng khoa học công nghệ bao gồm những Giải thưởng nào theo Nghị định 18/2024/NĐ-CP?
Ngày 21/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2024/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.
Cụ thể theo Điều 4 Nghị định 18/2024/NĐ-CP quy định Giải thưởng về khoa học công nghệ gồm có những giải thưởng sau đây:
(1) Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ để xét tặng cho tác giả có công trình đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 7 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định 18/2024/NĐ-CP.
(2) Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ để xét tặng cho tác giả có công trình đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 7 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định 18/2024/NĐ-CP.
(3) Giải thưởng khác về khoa học và công nghệ:
+ Giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ để tặng cho tác giả có công trình đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 23 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 Nghị định 18/2024/NĐ-CP.
+ Giải thưởng của tổ chức, cá nhân về khoa học và công nghệ được đặt ra để xét tặng cho tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 18/2024/NĐ-CP đặt ra những tiêu chuẩn để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học như sau:
(1) Công trình đặc biệt xuất sắc:
Kết quả nghiên cứu của công trình có phát minh mới hoặc là thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biểu, dẫn tới những thay đổi đặc biệt quan trọng trong nhận thức, sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống xã hội.
(2) Công trình có giá trị rất cao về khoa học:
- Tìm ra bản chất, quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng hoặc đạt một trong các tiêu chí sau:
+ Hình thành hướng nghiên cứu mới;
+ Tư tưởng, quan niệm mới;
+ Nhận thức mới;
+ Cách tiếp cận mới;
+ Lý thuyết mới;
+ Phương pháp mới;
+ Tri thức mới;
+ Phát hiện mới về khoa học và công nghệ;
- Được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước hoặc quốc tế.
(3) Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:
- Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc làm thay đổi hợp lý cơ cấu ngành nghề; tiết kiệm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
- Đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai, hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Làm chuyển biến nhận thức của xã hội hoặc tác động đặc biệt quan trọng đến đời sống xã hội; nâng cao dân trí; thay đổi tích cực hành vi ứng xử của nhóm, tầng lớp trong xã hội;
- Có tác dụng lớn trong giáo dục, được sử dụng cho công tác nghiên cứu và đào tạo đại học, sau đại học.
Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 18/2024/NĐ-CP quy định điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học năm 2024 như sau:
(1) Đối với tác giả:
Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ 2013 và đáp ứng điều kiện sau đây:
- Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.
(2) Đối với công trình:
- Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam;
- Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nguyên tắc đề nghị xét tặng Giải thưởng về khoa học công nghệ như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 18/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ:
- Việc đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện;
- Mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng một Giải thưởng trong một đợt xét tặng Giải thưởng;
- Công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nghị định 18/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt như thế nào?
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 đã quyết nghị lấy ngày 3 2 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Mừng thọ 70 tuổi gọi là gì? Cách tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi theo Thông tư 06 chi tiết, cụ thể?
- Mẫu Đơn đề nghị hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe mới nhất hiện nay? Trường hợp nào hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe?
- Mẫu Quy chế làm việc của chi ủy chi bộ cơ sở mới nhất là mẫu nào? Chi ủy, chi bộ cơ sở họp thường lệ mấy tháng một lần?