Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương như thế nào?
- Tình hình hiện nay về trách nhiệm xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước như thế nào?
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện những nội dung gì để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc?
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện những nội dung gì để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc?
Tình hình hiện nay về trách nhiệm xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước như thế nào?
Căn cứ tại Công điện 280/CĐ-TTg năm 2023 chỉ ra những nội dung sau đây:
Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, xác định nguyên tắc bảo đảm thực hiện một nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương...
Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức...
Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương? (Hình từ Internet)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện những nội dung gì để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc?
Căn cứ tại Mục 1 Công điện 280/CĐ-TTg năm 2023 có nội dung sau đây:
- Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP. Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của bộ, cơ quan.
Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
- Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
- Khi giải quyết công việc, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và bộ, cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện những nội dung gì để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc?
Căn cứ tại Mục 2 Công điện 280/CĐ-TTg năm 2023 có nội dung như sau:
Để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm.
- Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã để chậm trễ, kéo dài.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?