Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như thế nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch không?
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như thế nào?
Căn cứ tại Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như sau:
- Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực chữ ký phải xuất trình bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
+ Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trên bản dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực.
+ Trường hợp nghi ngờ chữ ký trên bản dịch so với chữ ký mẫu thì yêu cầu người dịch ký trước mặt.
- Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
+ Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
+ Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch. Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, tùy theo từng trường hợp, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì thực hiện chứng thực như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
+ Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
- Trường hợp người dịch là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự đồng thời là người thực hiện chứng thực tại các Cơ quan đại diện thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan về việc đã dịch chính xác nội dung giấy tờ, văn bản; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như thế nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch không? (Hình từ Internet)
Giấy tờ, văn bản nào không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch?
Căn cứ tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định những giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch gồm có:
- Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
- Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.
- Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.
- Giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
- Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
...
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
e) Chứng thực di chúc;
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
...
Như vậy theo quy định trên Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chỉ số DXY là gì? Thành phần tạo nên chỉ số DXY? Giao dịch ngoại tệ được thực hiện thông qua hình thức nào?
- Thuế môn bài năm 2025 mới nhất: Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết và phải nắm rõ là gì?
- Người đi bộ qua đường không giơ tay xin đường có thể bị phạt tiền theo quy định mới tại Nghị định 168?
- Lỗi chở hàng cồng kềnh xe máy 2025? Mức phạt chở hàng cồng kềnh 2025? Xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu?
- Tiêu chí Kinh dị ở Phim 18+ là gì theo Thông tư 05? 07 tiêu chí phân loại phim 18+ chi tiết, cụ thể?