Thần số học là gì? Thần số học có phải là mê tín dị đoan và vi phạm pháp luật hiện nay hay không?
Thần số học là gì?
Dưới góc độ pháp lý, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa "Thần số học là gì".
Tuy nhiên, có thể giải thích thần số học là gì như sau:
Thần số học hay nhân số học (tên tiếng Anh là Numerology) là một bộ môn Huyền học với cách tính khoa học, nghiên cứu về những con số và các tác động sóng rung của các con số đó đối với đời sống con người.
Hiện nay, trên thế giới có 4 trường phái Thần số học. Cụ thể là:
- Thần số học Chaldean: Đây là trường phái cổ xưa nhất, có nguồn gốc từ Babylon và được nghiên cứu dựa trên các chữ số từ 1 đến 8. Riêng con số 9 có ý nghĩa đặc biệt hơn cả, nó được coi là con số linh thiêng và thánh thiện, khác biệt hẳn so với các con số còn lại. Tuy nhiên con số này chỉ có ý nghĩa khi nó không phải là tổng của các con số khác.
- Kabbalah: Có nguồn gốc từ thuyết thần bí tiếng Do Thái, chỉ tập trung vào tên và dựa trên 22 ý nghĩa rung động khác nhau của bảng chữ cái tiếng Do Thái.
- New Kabbalah Numerology: Trường phái này đã được điều chỉnh cho phù hợp với bảng chữ cái La Mã gồm 26 chữ cái và sử dụng biểu đồ số Pythagore. Hệ thống này không xem xét ngày sinh, đó có thể là lý do tại sao nó chưa bao giờ trở nên phổ biến, vì đối với các nhà Thần số học phương Tây, ngày sinh là cốt lõi và quan trọng nhất.
- Thần số học Pythagoras: Đây là trường phái dựa trên các nghiên cứu và chỉ dạy của nhà toán học Pythagoras, được ứng dụng rộng rãi tại phương Tây. Ông đã phát triển khái niệm rằng mọi số, bất kể lớn hay nhỏ, luôn có thể được rút gọn thành một chữ số từ 1 đến 9 và mỗi chữ số rút gọn đều có dao động, tần số riêng. Pythagoras đã áp dụng điều này vào các giai đoạn trong vòng đời con người với độ chính xác kỳ lạ.
Thần số học là gì? Thần số học có phải là mê tín dị đoan và vi phạm pháp luật hiện nay hay không?
Thần số học có phải là mê tín dị đoan và vi phạm pháp luật hiện nay hay không?
Về mê tín dị đoan, hiện chưa có định nghĩa pháp lý cụ thể về mê tín dị đoan. Tuy nhiên có thể hiểu, mê tín dị đoan là niềm tin mê muội, do con người chưa đủ khả năng phân tích, lý giải đúng sai về các hiện tượng tự nhiên và xã hội, bị người xấu lợi dụng tin vào điều nhảm nhí, mù quáng.
Theo các phân tích về thần số học thì thần số học dựa trên khoa học từ những con số, con người có thể phân tích, lý giải về nó. Do vậy, thần số học chưa thể bị xem là hoạt động mê tín dị đoan, trừ khi hoạt động này trở nên "biến tướng", dẫn đến những điều không có căn cứ, mù quáng.
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào cấm đối với thần số học nếu thần số học không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Ngược lại, đối với hành vi lợi dụng thần số học để trục lợi bất chính hoặc tổ chức mê tín dị đoan dưới bóng của thần số học thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt khi tổ chức mê tín dị đoan dưới bóng thần số học là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định:
Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;
b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
...
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;
c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;
d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Theo đó, khi thực hiện tổ chức lễ hội với hoạt động mê tín dị đoan dưới bóng thần số học thì chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Còn người tham gia hoạt động mê tín này cũng có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Mức xử phạt này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định như sau:
Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan nếu thỏa mãn các cấu thành của tội danh. Và có thể chịu khung hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan là:
Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 nêu trên.
Cấu thành của Tội hành nghề mê tín, dị đoan bao gồm:
- Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm vào nếp sống văn minh trong xã hội, xâm phạm vào trật tự – an toàn xã hội.
- Mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện ở hành vi hành nghề mê tín dị đoan.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý.
- Chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Để tham gia dự tuyển cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?
- Sở Tư pháp có phải thực hiện ký kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư đúng không?
- Căn cứ thưởng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở 21 tỉnh? Kinh phí thưởng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi?
- Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú bao gồm những gì theo quy định pháp luật?
- Hệ thống thanh toán quốc tế là gì? Tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động ở đâu?