Sinh trắc học là gì? Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi nào theo Luật Căn cước 2023?
Sinh trắc học là gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.
2. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.
3. Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.
...
Theo đó, sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.
Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước 2023 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước như sau:
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước
1. Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này.
2. Thông tin nhân dạng.
3. Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
4. Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
5. Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.
Theo đó, thông tin sinh trắc học trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định về thu thập thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói như sau:
- Công dân đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia.
- Thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói được thu thập vào Cơ sở dữ liệu căn cước phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an hướng dẫn;
+ Thông tin tạo lập phải bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Sinh trắc học là gì? Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi nào theo Luật Căn cước 2023? (Hình từ Internet)
Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi nào?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước 2023 thì thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu về căn cước?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu về căn cước thực hiện như sau:
(1) Công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước;
(2) Hồ sơ đề nghị gồm: Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin sinh trắc học về ADN của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP (nếu có);
(3) Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước;
(4) Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì cơ quan quản lý căn cước thông báo cho công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn công dân thực hiện thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào Cơ sở dữ liệu về căn cước?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào Cơ sở dữ liệu về căn cước thực hiện như sau:
(1) Công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước;
(2) Hồ sơ đề nghị gồm: Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả thu nhận, phân tích, lưu trữ giọng nói của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP (nếu có); văn bản cam kết bảo đảm sức khỏe bình thường không ảnh hưởng đến giọng nói đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 7 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP;
(3) Trường hợp thông tin sinh trắc học về giọng nói của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước;
(4) Trường hợp thông tin giọng nói của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì cơ quan quản lý căn cước thực hiện trực tiếp thu thập thông tin sinh trắc học về giọng nói để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi nào? Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có bị hạn chế không?
- Chính sách nghỉ thôi việc với CBCCVC khi sắp xếp bộ máy tại Nghị định 178 ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ?
- Tại sao nói triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan? Thời lượng môn triết học Mác Lênin thế nào?
- Không mang theo giấy phép lái xe bị phạt bao nhiêu 2025? Mức phạt không mang bằng lái xe 2025 là bao nhiêu?
- Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú như thế nào? Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú được xác định thế nào?