Những trường hợp nào sẽ tiến hành thanh tra lại? Thời hiệu thực hiện thanh tra lại là bao lâu?
Thanh tra lại được thực hiện trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Thanh tra 2022, căn cứ để thực hiện thanh tra lại được quy định như sau:
Thanh tra lại
1. Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;
b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;
c) Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra;
d) Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
đ) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
Như vậy, khi có 01 trong 05 căn cứ nêu trên thì cá nhân, cơ quan thanh tra có thẩm quyền sẽ quyết định thanh tra lại cuộc thanh tra.
Những trường hợp nào sẽ tiến hành thanh tra lại? Thời hiệu thực hiện thanh tra lại là bao lâu? (Hình từ Internet)
Thời hiệu thanh tra lại là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 56 Luật Thanh tra 2022, thời hiệu thanh tra được quy định như sau:
Thanh tra lại
...
2. Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.
Như vậy, thời hiệu thanh tra lại là 02 năm từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.
Thời gian ký ban hành kết luận thanh tra được quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Ban hành kết luận thanh tra
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.
Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Kết luận thanh tra lại cần có những nội dung gì?
Nội dung kết luận thanh tra lại được xác định tại khoản 3 Điều 56 Luật Thanh tra 2022:
Thanh tra lại
..
3. Kết luận thanh tra lại phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này và phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.
Theo đó, khoản 2 Điều 78 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Ban hành kết luận thanh tra
...
2. Kết luận thanh tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra hành chính; đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên ngành;
b) Kết luận về nội dung thanh tra;
c) Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);
d) Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
đ) Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục.
Như vậy, nội dung cần có trong kết luận thanh tra bao gồm:
- Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra hành chính;
- Đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên ngành;
- Kết luận về nội dung thanh tra;
- Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm;
- Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);
- Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có);
- Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục;
- Trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp đồng bảo đảm là gì? Hợp đồng bảo đảm bao gồm hợp đồng nào? Hợp đồng bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm tập thể cho cấp ủy cơ sở mới nhất? Trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm điểm của cấp ủy?
- Doanh thu của năm có nằm trong tiêu chí phân loại quy mô của hợp tác xã theo Nghị định 113 không?
- Trong vụ án hình sự, áp giải là gì? Bị cáo vắng mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì bị áp giải đúng không?
- Hợp tác xã có được hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm của địa phương tổ chức trong nước hay không?