Người lao động có được thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương không? Tạm hoãn hợp đồng lao động thì có được hưởng lương?
Người lao động có được thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương không?
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ phải nghỉ không lương trong các trường hợp sau:
(1) Chủ động thỏa thuận với công ty về việc nghỉ không hưởng lương
Theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể tự do thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ không hưởng lương.
(2) Khi người thân người lao động kết hôn, chết
Theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn, người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày nhưng phải thông báo cho người sử dụng lao động biết.
(3) Trường hợp ngừng việc do lỗi của người lao động
Theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ, người lao động phải ngừng việc do lỗi của chính họ thì không được trả lương.
(4) Thuộc một trong các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động.
Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương.
Trong đó, các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động bao gồm:
- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia Dân quân tự vệ.
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam.
- Người lao động bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Lao động nữ mang thai, nếu làm việc có ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Người lao động được bổ nhiệm quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước.
- Người lao động được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Người lao động được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.
- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
Như vậy, ngoài những trường hợp nghỉ việc riêng có hưởng lương thì người lao động sẽ được thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ việc mà không hưởng lương.
Bên cạnh đó, trong quá trình tạm hoãn hợp đồng lao động thì người lao động cũng sẽ nghỉ việc và không hưởng lương.
Công ty tự cho người lao động nghỉ không lương được không? Tự ý cho người lao động nghỉ không lương, công ty có bị phạt?
Tự ý cho người lao động nghỉ không lương, công ty có bị phạt?
Như đã đề cập ở phần trước, người sử dụng lao động không được tự ý cho người lao động nghỉ không lương.
Trường hợp người lao động phải nghỉ làm do công ty yêu cầu mà không có thỏa thuận và không có các lý do khác thì sẽ được coi là ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động.
Lúc này, theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, người lao động phải được trả đủ lương theo hợp đồng lao động trong thời gian ngừng việc.
Nếu tự cho người lao động nghỉ mà không chịu trả lương, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt đặt ra đối với người sử dụng lao động sẽ được căn cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm. Cụ thể:
- Có từ 01 - 10 người lao động bị vi phạm: Phạt 05 - 10 triệu đồng.
- Có từ 11 - 50 người lao động bị vi phạm: Phạt 10 - 20 triệu đồng.
- Có từ 11 - 100 người lao động bị vi phạm: Phạt 20 - 30 triệu đồng.
- Có từ 101 - 300 người lao động bị vi phạm: Phạt 30 - 40 triệu đồng.
- Có từ 301 người lao động bị vi phạm trở lên: Phạt 40 - 50 triệu đồng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Thời hạn trả lương được quy định thế nào?
Căn cứ vào Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời hạn trả lương như sau:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
-Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?