Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với công an mắc bệnh hiểm nghèo hiện nay là bao nhiêu? Trường hợp nào cán bộ, chiến sĩ công an không được hưởng BHYT?
Mức hưởng BHYT đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân mắc bệnh hiểm nghèo hiện nay ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 70/2015/NĐ-CP, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi đi khám chữa bệnh sẽ được thanh toán 100% chi phí trong phạm vi được hưởng và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.
Trong đó:
- Trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đã được cấp thẻ BHYT thì chi phí khám chữa bệnh do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.
- Trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân chưa được cấp thẻ BHYT thì chi phí khám chữa bệnh do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH, Điều 5 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH, trong thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân còn được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Chế độ ốm đau | Nội dung |
Thời gian hưởng chế độ ốm đau | Thời gian hưởng chế độ ốm đau căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Trong đó, số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Ví dụ: Đồng chí Trung úy QNCN Nguyễn Hải Vân, hiện đang công tác tại nhà máy Z thuộc Tổng cục CNQP; ngày 14 tháng 4 năm 2016 đồng chí Vân bị sốt vi rút phải nghỉ việc để điều trị bệnh đến hết ngày 18 tháng 4 năm 2016. Ngày nghỉ hàng tuần của đồng chí Vân được xác định là ngày Chủ nhật. Như vậy, số ngày đồng chí Vân điều trị bệnh là 05 ngày; trong đó, số ngày được hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 03 ngày (trừ ngày 16 tháng 4 là ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương và ngày 17 tháng 4 là ngày Chủ nhật). |
Mức hưởng | Mức hưởng chế độ ốm đau = (Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24 ngày) x 100% x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau. Trường hợp nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau liên tục từ một tháng trở lên (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần) thì mức hưởng trợ cấp ốm đau của thời gian bằng một tháng được tính bằng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau. |
Trong trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe | Nội dung |
Thời gian | Được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm. (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.) - Việc quyết định số ngày nghỉ do Thủ trưởng đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ tướng đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam và tương đương thuộc Tổng cục; cấp Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh; Học viện, Trường Công an nhân dân, Bệnh viện, Doanh nghiệp, Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan quân y, y tế, cơ quan nhân sự. - Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính của năm đó. |
Mức hưởng | Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không nghỉ làm việc, hoặc bị ốm đau phải nghỉ việc để điều trị nhưng không hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau. |
Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với công an mắc bệnh hiểm nghèo hiện nay ra sao? Trường hợp nào cán bộ, chiến sĩ CA không được hưởng BHYT?
Bệnh hiểm nghèo là những bệnh nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, bệnh hiểm nghèo bao gồm:
- Ung thư giai đoạn cuối
- Xơ gan cổ trướng
- Lao nặng độ 4 kháng thuốc
- Bại liệt
- Suy tim độ 3
- Suy thận độ 4 trở lên
- HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp nào cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không được hưởng BHYT?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 70/2015/NĐ-CP như sau:
Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế
1. Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp đặc thù do hoạt động, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 một số quy định được sửa đổi và bãi bỏ bởi khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, các trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không được hưởng BHYT bao gồm:
- Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Khám sức khỏe.
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt.
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh có được xem phim 18+ hay không? Học sinh xem phim 18+ có bị đuổi học 1 tuần lễ hay không?
- Năm cá nhân số 8 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết? Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có bị xử phạt?
- Mẫu đơn đề nghị công nhận tổ chức xã hội nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng?
- Bảng lĩnh vực và phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng? Tải về bảng?
- Thẩm quyền thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng 2, hạng 3 thuộc về ai theo Nghị định 175?