Mỗi người lao động được cấp mấy sổ bảo hiểm xã hội? Phải làm gì khi người lao động có hai sổ bảo hiểm xã hội trở lên?
Mỗi người lao động được cấp mấy sổ bảo hiểm xã hội?
Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người lao động cụ thể như sau:
Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
Một trong các lưu ý quan trọng được in trên trang 04 của sổ bảo hiểm xã hội mà người lao động giữ là:
Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất. Cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý sổ bảo hiểm xã hội khi người tham gia hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Theo đó, mỗi người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ được cấp 1 sổ bảo hiểm xã hội duy nhất.
Đồng thời mỗi người cũng chỉ được cấp 1 mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp và được ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, do làm việc tại nhiều nơi và sử dụng đồng thời cả Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân khi làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ xảy ra trường hợp một người lao động có thể sở hữu hai hay nhiều sổ bảo hiểm xã hội.
Mỗi người lao động được cấp mấy sổ bảo hiểm xã hội? Phải làm gì khi người lao động có hai sổ bảo hiểm xã hội trở lên?
Các trường hợp sẽ xảy ra khi người lao động có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên?
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khi người lao động có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên sẽ xảy ra các trường hợp sau:
- Có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên mà thời gian đóng trùng nhau.
- Có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên mà thời gian đóng không trùng nhau.
Khi có từ hai sổ bảo hiểm xã hội trở lên thì cần phải làm gì?
Trường hợp có 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên mà thời gian đóng trùng nhau
Căn cứ theo quy định tại điểm 2.5 khoản 2 Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, trường hợp đóng trùng bảo hiểm xã hội sẽ được hoàn trả lại số tiền bảo hiểm xã hội đã nộp.
Tại tiết e điểm 3.1 khoản 3 Điều 43 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (Tiết này được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) đã hướng dẫn cụ thể về việc hoàn tiền bảo hiểm xã hội khi đóng trùng cụ thể như sau:
Trường hợp một người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi. Cơ quan BHXH quản lý nơi người lao động đang làm việc hoặc đang sinh sống thực hiện hoàn trả cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 46.
Theo đó, trường hợp người lao động có nhiều sổ bảo hiểm xã hội mà có thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội thì sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả số tiền đã đóng thừa, bao gồm cả số tiền người lao động và người sử dụng lao động đã đóng.
Thủ tục để được hoàn số tiền bảo hiểm xã hội nêu trên cụ thể như sau:
- Người lao động cần phải thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội.
- Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội
+ Các sổ bảo hiểm xã hội.
- Nơi nộp: Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện nơi quản lý hoặc cư trú.
- Thời gian giải quyết:
+ Không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.
- Lệ phí: Không.
- Kết quả:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Tiền hoàn trả thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội.
+ Quyết định hoàn trả.
Trường hợp có 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên mà thời gian đóng không trùng nhau
Người lao động có 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên có thời gian đóng không trùng nhau sẽ được gộp quá trình đóng của các sổ bảo hiểm xã hội lại với nhau. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành thu hồi các sổ bảo hiểm xã hội đã cấp và cấp sổ bảo hiểm xã hội mới cho người lao động.
Trường hợp này, người lao động cần tiến hành thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội như sau:
- Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội
+ Các sổ bảo hiểm xã hội đề nghị gộp.
- Nơi nộp:
+ Đơn vị sử dụng lao động.
+ Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện trực tiếp thu.
- Thời gian giải quyết:
+ Không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.
+ Không quá 45 ngày đối với trường hợp phải xác minh quá trình đóng bảo hiểm xã hội ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc và phải có văn bản thông báo.
- Lệ phí: Không.
- Kết quả: Người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội mới.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?