Mới: 05 loại hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 là những loại hợp đồng nào?
Hợp đồng bảo hiểm bao gồm những loại nào?
Căn cứ Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về các loại hợp đồng bảo hiểm như sau:
Điều 15. Hợp đồng bảo hiểm
1. Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
a) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
b) Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
c) Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
d) Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
đ) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Hợp đồng bảo hiểm quy định tại các điểm c, d và đ khoản này thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này và bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này.
3. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật này.
4. Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật này thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Như vậy, các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm 05 loại theo quy định như trên.
Quy định 05 loại hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 là những loại hợp đồng nào? (Hình từ internet)
Thực hiện hợp đồng bảo hiểm và nguyên tắc giao kết như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất: Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
Thứ hai: Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này;
Thứ ba: Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;
Thứ tư: Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
Thứ năm: Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
Như vây, theo quy định trên thì có 05 nguyên tắc mà khi giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm mà phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Hợp đồng bảo hiểm bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
- Đối tượng bảo hiểm;
- Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
- Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
- Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
- Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Như vậy, một hợp đồng bảo hiểm phải đảm bảo các nội dung cụ thể theo quy định như trên.
Các trường hợp áp dụng quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau:
- Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo.
Như vậy, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định như trên.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023, trừ Khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mới nhất?
- Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất? Cách tính tiền trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản như thế nào?
- Công dân có được giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hay không?
- Thiết kế xây dựng gồm những gì? Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo mấy bước theo quy định?
- Mẫu biên bản nghiệm thu quyết toán công trình xây dựng mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu biên bản nghiệm thu?