Luật sư, công chứng viên và thừa phát lại: Chức danh nào yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn? Quy trình bổ nhiệm công chứng viên 2023?
Luật sư là gì? Điều kiện để trở thành luật sư?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư 2006 quy định về Luật sư theo đó:
Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).
Căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Luật Luật sư 2006 quy định về tiêu chuẩn của luật sư và điều kiện hành nghề luật sư như sau:
Tiêu chuẩn luật sư
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Điều kiện hành nghề luật sư
Người có đủ tiêu chuẩn quy định về tiêu chuẩn luật sư như trên muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Công chứng viên là gì? Điều kiện để trở thành công chứng viên? Quy trình bổ nhiệm công chứng viên?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định về giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Theo đó, Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luât, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định về tiêu chuẩn công chứng viên như sau:
Tiêu chuẩn công chứng viên
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
1. Có bằng cử nhân luật;
2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Theo đó: Để trở thành công chứng viên thì một cá nhân phải đảm bảo những điều kiện và trải qua quy trình sau đây:
Tham gia khóa đào tạo hành nghề tại Học viện Tư pháp
Để trở thành công chứng viên, một người bắt buộc phải là công dân Việt Nam, được đào tạo và có bằng cử nhân luật; có đủ sức khỏe và tư cách đạo đức tốt.
Sau khi có bằng cử nhân luật, người đó phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng trong 12 tháng tại Học viện Tư pháp. Sau khóa đào tạo chuyên môn, Học viện Tư pháp cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa học cho người học.
Các trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Công chứng 2014 sẽ được miễn đào tạo hành nghề công chứng.
Các trường hợp được miễn đào tạo hành nghề công chứng vẫn phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại Học viện Tư pháp trong 03 tháng và tập sự hành nghề.
Tập sự hành nghề
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo hành nghề công chứng hoặc khóa học bồi dưỡng hành nghề công chứng đăng ký việc tập sự hành nghề với Sở Tư pháp nơi có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhận tập sự.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BTP quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng theo đó:
Trong trường hợp Người tập sự thay đổi nơi tập sự thì thời gian tập sự được tính bằng tổng thời gian tập sự của người đó tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Tổng thời gian tập sự được tính khi Người tập sự có thời gian tập sự tại mỗi tổ chức hành nghề công chứng ít nhất là 03 tháng
Kiểm tra kết quả tập sự
Một năm, Bộ Tư pháp tổ chức 02 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Trong trường hợp không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra trước, người tập sự được phép đăng ký kiểm tra lại trong đợt sau nhưng tổng số lần kiểm tra tối đa chỉ 03 lần
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
Bổ nhiệm công chứng viên
Khi đạt tiêu chuẩn hành nghề và đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, có giấy chứng nhận hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, người có nguyện vọng đủ điều kiện nộp hồ sơ xin bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 12 của Luật Công chứng 2014.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Đây là thời điểm xác định một người chính thức trở thành công chứng viên.
Luật sư, công chứng viên và thừa phát lại: Chức danh nào yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn? Quy trình bổ nhiệm công chứng viên 2023? (Hình từ internet)
Thừa phát lại là gì? Điều kiện để trở thành thừa phát lại?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ theo đó:
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Để trở thành Thừa phát lại, cá nhân phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
- Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
- Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Như vậy, dựa vào những phân tích như trên, chúng ta có thể thấy: Mỗi chức danh ở mỗi lĩnh vực khác nhau và sẽ có những yêu cầu về điều kiện và quy trình bổ nhiệm khác nhau.
Do đó, nếu bạn muốn trở thành chức danh nào thì có thể cân nhắc lựa chọn và theo đuổi ngành nghề cho phù hợp.
Vừa làm công chứng viên vừa làm luật sư và thừa phát lại có được không?
Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014, công chứng viên không được đồng thời kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác. Do đó, việc một cá nhân vừa làm công chứng viên vừa làm luật sư là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP pháp luật đã nghiêm cấm Thừa phát lại không được phép vừa hành nghề Thừa phát lại vừa hành nghề luật sư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gợi ý quà Tết dương lịch 2025? Những món quà tặng Tết dương lịch 2025 ý nghĩa? Tết Dương lịch 2025 vào ngày mấy âm lịch?
- Lịch Vạn niên tháng 1/2025 đầy đủ, chi tiết nhất? Lịch âm dương tháng 1/2025 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?
- Luật Tố tụng hành chính quy định những gì và áp dụng cho những hoạt động nào? Quy định về việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hành chính?
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?