Khi nào du học sinh ngân sách nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo? Trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước?
Khi nào du học sinh ngân sách nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 86/2021/NĐ-CP có quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh ngân sách nhà nước như sau:
- Đối với du học sinh là cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP, việc bồi hoàn được thực hiện theo quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP có quy định về những trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo gồm:
Đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
- Đối với du học sinh không phải là cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP, thì việc bồi hoàn chi phí đào tạo được thực hiện trong những trường hợp sau:
+ Du học sinh không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định 143/2013 /NĐ-CP;
+ Du học sinh có cơ quan công tác tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.
+ Du học sinh không có cơ quan công tác tự ý bỏ học, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.
- Đối với du học sinh học bổng do Chính phủ nước ngoài, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), chính quyền các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc cá nhân tài trợ thông qua Chính phủ Việt Nam (sau đây gọi chung là học bổng do phía nước ngoài đài thọ). Việc bồi hoàn được thực hiện theo quy định hợp tác giữa các cơ quan nhà nước của Việt Nam với phía nước ngoài đài thọ học bổng.
Khi nào du học sinh ngân sách nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo? Trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước? (Hình từ Internet)
Du học sinh ngân sách không phải là cán bộ, công chức, viên chức tự ý bỏ học phải bồi hoàn chi phí bao nhiêu?
Du học sinh ngân sách không phải là cán bộ, công chức, viên chức tự ý bỏ học là nhóm đối tượng phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định 86/2021/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về thu hồi chi phí bồi hoàn
Thu hồi chi phí bồi hoàn
...
2. Việc thu hồi chi phí bồi hoàn đối với du học sinh quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định này được thực hiện như sau:
a) Cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học (đối với trường hợp không có cơ quan công tác) ra quyết định về việc thu hồi chi phí bồi hoàn và gửi quyết định này cho du học sinh thuộc diện bồi hoàn. Việc xem xét miễn, giảm chi phí bồi hoàn do cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học quyết định căn cứ trên hồ sơ của du học sinh và chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
b) Trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chi phí bồi hoàn của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học, du học sinh có trách nhiệm nộp trả đầy đủ chi phí bồi hoàn;
c) Chi phí bồi hoàn được nộp cho cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học đã chi trả kinh phí cho du học sinh;
d) Trong trường hợp du học sinh phải bồi hoàn chi phí đào tạo không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 86/2021/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước như sau:
+ Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; trong trường hợp vi phạm, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của các bên có liên quan;
+ Nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục nước ngoài và cam kết, quy định của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác), cơ quan cử đi học; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại;
+ Thực hiện đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành và cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 4 Nghị định 86/2021/NĐ-CP;
+ Không được tự ý bỏ học; thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thông báo cho cơ quan cử đi học trước 10 ngày làm việc trước khi về nước thực tập, thu thập tài liệu, được nghỉ học, nghỉ lễ theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài đối với du học sinh quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP;
+ Gửi báo cáo tiến độ học tập (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86/2021/NĐ-CP) và bản sao kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan cử đi học sau mỗi kỳ học, năm học;
+ Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP này nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp đối với du học sinh quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP;
+ Thực hiện các quy định hiện hành về cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên);
+ Bảo vệ các tài liệu, thông tin có bí mật nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin bảo vệ chính trị nội bộ;
+ Không lợi dụng việc học tập hay bất kỳ hình thức nào khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước đối tác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác từ 1/7/2025 ra sao?
- Mức đầu tư để trường mầm non tư thục hoạt động giáo dục ít nhất là bao nhiêu? Hồ sơ cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục?
- Cơ quan nào quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập? Thủ tục thành lập trung tâm?
- Mẫu Phiếu đề nghị xử lý kỷ luật công đoàn mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Ai có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật công đoàn?
- Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho ai? Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ do cơ quan nào cấp?