Khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thế nào?
Ngày 06/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP năm 2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023.
Khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thế nào?
Theo đó, tại Mục 3 Nghị quyết 165/NQ-CP năm 2023, Chính phủ quyết nghị nội dung báo cáo về tình hình xử lý các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:
Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết trong thời gian vừa qua.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quản lý nhà nước của Chính phủ, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức. Các nội dung được giao quy định chi tiết thi hành thường là các vấn đề khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có tính ổn định cao, nhiều nội dung cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của các cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 116/129 văn bản được giao, bao gồm 68 nghị định của Chính phủ, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 36 thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.
Hiện nay vẫn còn nợ ban hành 13 văn bản; một số văn bản đã được ban hành nhưng chưa kịp thời để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết; một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, ngưng hiệu lực thi hành, hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Theo đó, để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ giao:
- Văn phòng Chính phủ chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng: đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm tra, xem xét xử lý dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; làm rõ cơ chế xử lý, quyết định những vấn đề lớn, còn vướng mắc, chưa thống nhất trong dự thảo văn bản. Hoàn thành trong Quý IV năm 2023.
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đẩy nhanh việc ban hành, kịp thời giải quyết những vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
- Đối với 13 văn bản nợ ban hành được nêu tại Báo cáo 308/BC-BTP ngày 26 tháng 9 năm 2023 của Bộ Tư pháp:
+ Đối với 06 văn bản đã được các bộ, cơ quan trình Chính phủ nhưng chưa ban hành: các Bộ chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, trình lại trước ngày 05 tháng 10 năm 2023; báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách xem xét, quyết định ban hành trước ngày 10 tháng 10 năm 2023;
+ Đối với 04 dự thảo Nghị định chưa được các Bộ trình Chính phủ: các Bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 05 tháng 10 năm 2023, trừ Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Bộ Chính trị;
+ Đối với 03 Thông tư quy định chi tiết chưa được ban hành: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hoàn thiện và ban hành trước ngày 05 tháng 10 năm 2023;
+ Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ này.
- Đối với 71 văn bản cần ban hành trong thời gian tới được nêu tại Báo cáo số 308/BC-BTP ngày 26 tháng 9 năm 2023 của Bộ Tư pháp: Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần dành thời gian tối đa chỉ đạo công tác xây dựng các văn bản này, bảo đảm chất lượng, thời hạn trình, ký ban hành theo quy định; không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ. Trường hợp cần thiết, Văn phòng Chính phủ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề để xử lý nhằm chấm dứt tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thế nào? (Hình từ internet)
Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về văn bản bản quy phạm pháp luật như sau:
Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy căn cứ theo quy định trên, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải đảm bảo các nguyên tắc:
- Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
- Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số lượng thành viên hội đồng trường cao đẳng sư phạm là số chẵn đúng không? Chủ tịch hội đồng trường có được kiêm nhiệm chức vụ quản lý?
- Mẫu thông báo tuyển dụng nhân viên kế toán cuối năm là mẫu nào? Người lao động có phải trả chi phí cho việc tuyển dụng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho người yêu ý nghĩa? Lễ Giáng sinh Noel người lao động có được tạm ứng tiền lương không?
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?