Hướng dẫn kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót tại Công văn 2397/CTBNI-KKKTT bởi Cục thuế tỉnh Bắc Ninh?
Hướng dẫn kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Theo đó, Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:
Khai bổ sung hồ sơ khai thuế
1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.
3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;
b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.
4. Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:
a) Tờ khai bổ sung;
b) Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan.
5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:
- Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.
Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.
- Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).
Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, tại Công văn 2397/CTBNI-KKKTT tải Cục thuế tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn trường hợp Công ty phát hiện hoá đơn đầu vào các tháng trước chưa kê khai thì Công ty được khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ. Tức là:
- Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 9 năm 2022 vào tờ khai tháng 9 năm 2022;
- Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 12 năm 2022 vào tờ khai tháng 12 năm 2022;
- Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 1 năm 2023 vào tờ khai tháng 1 năm 2023.
Tham khảo thêm hướng dẫn tại Công văn 4943/TCT-KK năm 2015 về kê khai hóa đơn bỏ sót như sau: - Khoản 6 Điều 1 Luật 31/2013/QH13 quy định “đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.” - Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính: + Điều 8 hướng dẫn thời Điểm xác định thuế GTGT: “1. Đối với bán hàng hóa là thời Điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời Điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời Điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền....” + Tiết a, Khoản 5, Điều 12 hướng dẫn: “Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra.” + Khoản 8 Điều 14 hướng dẫn: “Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.” Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người nộp thuế phát hiện hóa đơn, chứng từ của các kỳ trước bị bỏ sót chưa kê khai thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung như sau: - Đối với người bán: hóa đơn đầu ra xuất bán phát sinh kỳ nào thì thực hiện khai bổ sung, Điều chỉnh kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn đó theo quy định. Ví dụ 4: Tháng 04/2015 người nộp thuế phát hiện hóa đơn GTGT đầu ra phát sinh tháng 01/2015 chưa kê khai thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai bổ sung, Điều chỉnh hồ sơ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 01/2015 theo quy định. - Đối với người mua: thời Điểm phát hiện hóa đơn bỏ sót kỳ nào thì kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định, kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Ví dụ 5: Tháng 05/2015 người nộp thuế phát hiện hóa đơn mua vào phát sinh tháng 12/2014 chưa kê khai thì NNT kê khai vào “Mục I - Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ” trên tờ khai 01/GTGT của kỳ tính thuế tháng 04/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 05/2015 nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. |
Hướng dẫn kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót (Hình từ Internet)
Có được nhận hối lộ khi thanh tra về hóa đơn?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì các hành vi bị cấm đối với công chức thuế là:
- Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
- Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
- Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
Bảo quản, lưu trữ hóa đơn như thế nào?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:
- Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;
- Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.
Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chức năng của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là gì? Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng nghệ thuật?
- Chính quyền địa phương ở thị trấn là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn?
- Khi Nhà nước thu hồi đất, chủ sở hữu cây trồng được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước không?
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?
- 23 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự? Tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có bao gồm tranh chấp đất đai?