Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ được quy định thế nào? Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ?
Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ được quy định thế nào?
(1) Hợp đồng lao động:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Hợp đồng lao động là là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
(2) Hợp đồng dịch vụ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ được quy định thế nào? Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ? (Hình từ internet)
Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ?
Dưới đây là một số tiêu chí phân biệt giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ:
Tiêu chí phân biệt | Hợp đồng lao động | Hợp đồng dịch vụ |
Cơ sở pháp lý | khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 | Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 |
Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng | Hợp đồng lao động phải đáp ứng đủ những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 thì mới được xem là hợp đồng lao động | Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. |
Sự ràng buộc pháp lý giữa các chủ thể | Hợp đồng lao động có sự ràng buộc pháp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người lao động sẽ chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động cũng như phải tuân thủ các nội quy, quy chế do người sử dụng lao động ban hành. | Không có sự ràng buộc về pháp lý giữa bên yêu cầu dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ, kết quả hướng tới của hợp đồng dịch vụ chỉ là kết quả công việc |
Người thực hiện hợp đồng | Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, được hiểu là người lao động “bán” sức lao động của mình để được trả công, trả lương. Do đó, người lao động sẽ phải tự mình thực hiện hợp đồng lao động, không được chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người sử dụng lao động. | Bên cung cấp dịch vụ được thay đổi người thực hiện hợp đồng nếu được sự đồng ý của bên yêu cầu dịch vụ |
Thời gian thực hiện hợp đồng | Hợp đồng lao động phải được thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian nhất định đã thỏa thuận trước, không được tự ý ngắt quãng hợp đồng, trừ khi pháp luật lao động có quy định | Thời gian thực hiện hợp đồng không cần liên tục, chỉ cần hoàn thành xong công việc, việc ngắt quãng phụ thuộc vào người thực hiện công việc |
Cách thức thực hiện công việc | Phải thực hiện công việc liên tục trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô định. | Không cần thực hiện công việc liên tục mà chỉ cần hoàn thành trong khoảng thời gian được giao kết. |
Bảo hiểm | Khi ký hợp đồng phải bắt buộc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. | Không bắt buộc tham gia các loại bảo hiểm cho người thực hiện công việc |
Chế độ phép năm | Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; - 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; - 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. | Không quy định về ngày nghỉ phép cho người thực hiện công việc |
Chế độ ốm đau | NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. | Không quy định về chế độ ốm đau cho người thực hiện công việc |
Bên cung ứng dịch vụ có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 517, Điều 518 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ gồm có như sau:
- Quyền của bên cung ứng dịch vụ
+ Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
+ Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
+ Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
- Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
+ Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
+ Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
+ Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
+ Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
+ Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
+ Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mọi trường hợp CSGT dừng xe người tham gia giao thông thì đều xử lý vi phạm giao thông đúng không?
- Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu? Thời gian nghỉ không lương có tính vào thời gian làm việc tính phép năm?
- Những bệnh không đủ điều kiện sức khỏe thi lái xe theo Thông tư 36/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách có thể bị tước danh hiệu quân nhân?
- Ngoài bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã còn có gì?