Hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu bị phạt bao nhiêu tiền? Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ra sao?
Hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về múc phạt tiền đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu như sau:
- Đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
- Đối với hành vi tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi này.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu. Trường hợp tổ chức có hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu mức phạt sẽ gấp đôi (căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu bị phạt bao nhiêu tiền? Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như thế nào?
Căn cứ tại Điều 69 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dựa trên những nguyên tắc sau đây:
- Thứ nhất, thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
- Thứ hai, được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:
+ Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền tác giả, quyền liên quan và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.
+ Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này: Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong điều kiện nhất định nếu không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra.
+ Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó:
++ Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần và sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm.
++ Giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả.
- Thứ ba, mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.
Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức độ thiệt hại.
Chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền quyền tác giả, quyền liên quan trường hợp quyền đã đăng ký gồm những tài liệu gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 77 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan
1. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan đã được đăng ký, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:
a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;
b) Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đăng ký, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ và bao gồm tài liệu cụ thể như sau:
a) Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa có nêu tên chủ thể quyền theo quy định tại Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 59 của Nghị định này;
b) Các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt các đối tượng nêu trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).
3. Trong trường hợp người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm là người được chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan, được thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật thì ngoài tài liệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, còn phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc văn bản xác định quyền thừa kế, quyền kế thừa.
Như vậy theo quy định trên chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền quyền tác giả, quyền liên quan trường hợp quyền này đã đăng ký là một trong các loại tài liệu sau đây:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định.
- Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Kế hoạch giải quyết tố cáo đảng viên của chi bộ? Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên nào?
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?