Đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh? Mức doanh thu chịu thuế hiện nay là bao nhiêu?
Mức doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh hiện nay là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ kinh doanh được quy định như sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Theo đó, tùy thuộc vào mức thu nhập từ hoạt động kinh doanh mà người nộp thuế sẽ tính thuế tương ứng với thuế suất quy định tại biểu thuế trên.
Ngoài ra, thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Luật Về thuế sửa đổi 2014) như sau:
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
- Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Về thuế suất:
+ Phân phối, cung cấp hàng hoá: 0,5%;
+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2% .
+ Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%;
+ Hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh? Mức doanh thu chịu thuế hiện nay là bao nhiêu?
Đánh giá tình hình áp dụng quy định về doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh hiện nay?
Tại tiết 2.1 tiểu mục 2 Mục II Phụ lục 2 Tờ trình Dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Tư pháp đưa ra đánh giá về tình hình áp dụng quy định về doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh hiện nay như sau:
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, đối với thu nhập từ kinh doanh cũng được áp dụng các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN. Tuy nhiên, đối với hộ, cá nhân kinh doanh, quy trình tính thuế này là phức tạp do đại bộ phận hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, không xác định được chi phí, thu nhập chịu thuế nên cơ quan thuế phải thực hiện ấn định thu nhập, sau đó lại xác định thu nhập tính thuế dựa trên cơ sở giảm trừ gia cảnh để áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần như cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính, Luật Về thuế sửa đổi 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn về thuế (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015) quy định:
- Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế TNCN;
- Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng mức 100 triệu đồng/năm để xác định cá nhân không thuộc diện nộp thuế TNCN là không phù hợp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu không được giảm trừ gia cảnh.
Trong khi đó, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với bản thân người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh?
Căn cứ tại tiết 2.1 tiểu mục 2 Mục II Phụ lục 2 Tờ trình Dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, như sau:
Để phù hợp với sự biến động của giá cả, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh dự kiến điều chỉnh được nêu trong Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế giá trị gia tăng đang thực hiện, đề xuất nâng mức doanh thu để xác định đối tượng không phải nộp thuế TNCN lên cao hơn so với mức đang được quy định tại Luật thuế TNCN hiện nay (thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh).
Bộ Tư pháp nêu rõ trong Tờ trình như sau:
Việc điều chỉnh mức doanh thu để xác định cá nhân kinh doanh không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân đảm bảo sự phù hợp với sự biến động của giá cả và quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu thấp sẽ không phải nộp thuế.
Tuy nhiên, việc nâng mức doanh thu để xác định đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân lên cao hơn so với mức đang được quy định hiện nay sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Xem toàn bộ Phụ lục 2 Tờ trình Dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023: tại đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều kiện đối với ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Thời hạn gửi báo cáo tài chính hằng năm của ngân hàng mẹ?
- Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện: Đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện sau sáp nhập thế nào?
- Đưa thông tin sai sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông bị phạt thế nào?
- Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng gồm bao gồm chi phí nào? Được xác định như thế nào?
- Gợi ý quà tất niên tặng cho đối tác, khách hàng, nhân viên cuối năm thiết thực? Có bắt buộc phải tặng quà tất niên cho nhân viên không?