Đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ được quy định như thế nào?
Đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 quy định về những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đối tượng cảnh vệ như sau:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Chủ tịch nước;
- Chủ tịch Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo như quy định trên thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thuộc trường hợp đối tượng cảnh vệ theo quy định hiện nay.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ của Bộ Công an gửi đến Chính phủ đã đề cập đến nội dung như sau:
- Pháp luật hiện hành quy định 03 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể về đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 05 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong nước hiện nay; đặc biệt gần đây là một số vụ ám sát một số nhà lãnh đạo trên thế giới thì cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì đặc thù công việc của hai chức vụ này liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người do đó đặc thù nghề nghiệp mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ. Qua tham khảo Luật của một số quốc gia trên thế giới quy định 02 chức vụ này thuộc đối tượng cảnh vệ, như Đức, Canada (Luật của Đức quy định đối tượng cảnh vệ đối với cấp liên bang, gồm: Tổng thống, Thủ tướng, các thành viên Nội các, Tòa án Hiến pháp Liên bang, các Nghị sĩ Quốc hội Liên Bang và khách quốc tế của các cơ quan Hiến pháp; Luật Canada quy định đối tượng cảnh vệ gồm toàn quyền và Thủ tướng cùng gia đình, thành viên nội các, Thẩm phán Tòa án Tối cao, các nhà ngoại giao); đồng thời Luật hóa kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, theo dự thảo nêu trên thì Bộ Công an đã đề xuất bổ sung thêm 02 đối tượng là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào nhóm đối tượng cảnh vệ bởi 02 chức vụ này liên quan đến quyền sống, quyền tự do của con người và mang tính rủ ro cao, cần được bảo vệ.
Đề nghị bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ? (Hình từ Internet)
Công tác cảnh vệ được thực hiện theo các nguyên tắc nào?
Căn cứ vào Điều 5 Luật Cảnh vệ 2017 quy định về nguyên tắc công tác cảnh vệ như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
- Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; kết hợp giữa hoạt động công khai và hoạt động bí mật để thực hiện công tác cảnh vệ.
- Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Lực lượng cảnh vệ gồm có những ai?
Căn cứ vào Điều 16 Luật Cảnh vệ 2017 quy định như sau:
Lực lượng Cảnh vệ
1. Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm:
a) Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an;
b) Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị của lực lượng Cảnh vệ.
Như vậy, lực lượng cảnh vệ thực hiện công tác cảnh vệ sẽ gồm 02 nhóm sau:
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an;
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức phí thẩm định điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là bao nhiêu?
- Khái niệm cải tạo nhà ở theo quy định mới? Quy định về việc cải tạo nhà ở? Chủ sở hữu có được tự thực hiện việc cải tạo nhà ở?
- Mẫu quyết định bổ nhiệm cán bộ công chức mới nhất năm 2025? Tải mẫu quyết định bổ nhiệm file word?
- Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký nơi thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi nào?
- Mã số chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng có mấy chữ số? Có được cho thuê chứng chỉ hành nghề?