Có được sử dụng máy đo nồng độ cồn của mình để đối chứng kết quả với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng không?
Có được sử dụng máy đo nồng độ cồn của mình để đối chứng kết quả với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng không?
Căn cứ theo quy định Danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở (máy đo nồng độ cồn) là một trong những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt (thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP).
Theo đó, căn cứ Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP như sau:
Yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật:
a) Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
b) Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;
c) Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
d) Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.
2. Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các quy định trên thì cá nhân, tổ chức có thể sử dụng máy đo nồng độ cồn của mình để đối chiếu với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng, làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định;
- Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Còn trong thời hạn sử dụng (tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính).
Có được sử dụng máy đo nồng độ cồn của mình để đối chứng kết quả với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng không? (Hình từ Internet)
Kết quả thu thập được từ máy đo nồng độ cồn có cần phải ghi nhận vào văn bản không?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP như sau:
Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
...
2. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản, gồm các thông tin cơ bản sau:
a) Tên cơ quan, đơn vị và chữ ký, họ tên của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (trường hợp xác minh được);
c) Bản ảnh, hình ảnh (đối với thiết bị ghi hình, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh); âm thanh (đối với thiết bị ghi âm);
d) Chỉ số đo, phân tích (đối với phương tiện, thiết bị có chức năng đo lường, phân tích, kiểm định);
đ) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
e) Hành vi vi phạm hoặc kết luận về kết quả đo lường, phân tích, kiểm định;
g) Các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có).
Như vậy, theo quy định thì kết quả thu thập được bằng máy đo nồng độ cồn phải được ghi nhận bằng văn bản và bao gồm các thông tin cơ bản sau:
- Tên cơ quan, đơn vị và chữ ký, họ tên của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (trường hợp xác minh được);
- Chỉ số đo, phân tích (đối với phương tiện, thiết bị có chức năng đo lường, phân tích, kiểm định);
- Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Hành vi vi phạm hoặc kết luận về kết quả đo lường, phân tích, kiểm định;
- Các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có).
Quy trình xử lý kết quả thu được bằng máy đo nồng độ cồn ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, khi có kết quả thu thập được bằng máy đo nồng độ cồn, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:
- Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính;
- Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính;
- Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;
- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tốc độ tối đa của xe buýt từ 2025 theo Thông tư 38/2024 là bao nhiêu? Có những loại xe cơ giới nào?
- Thời điểm bổ nhiệm tổ trưởng tổ chuyên môn trường trung học cơ sở? Tổ chuyên môn có tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên không?
- Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến hay, chọn lọc? Năm học 2024 2025, học sinh các cấp sẽ học theo chương trình mới đúng không?
- Trầm cảm là gì? Dấu hiệu trầm cảm là gì? Biến chứng nguy hiểm nhất của trầm cảm là gì theo Bộ Y tế?
- Chủ nghĩa kinh nghiệm là gì? Đặc trưng chính của chủ nghĩa kinh nghiệm? Chương trình Lý luận chính trị của sinh viên được quy định thế nào?