Có được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của anh, em ruột để lại thay cho ba, mẹ hay không?
Những quy định chung về thừa kế thế vị như thế nào?
Thừa kế được hiểu là sự tiếp nối, là sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang người sống. Việc thừa kế có thể được thực hiện theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, tổ chức, không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân hay huyết thông, bởi vì bản chất của việc thừa kế theo đi chúc sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Còn đối với thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế theo pháp luật được quy định theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
......
Xét về bản chất, thừa kế thế vị là sự thay thế vị trí thừa kế, do đó người thừa kế thế vị phải thuộc trong mối quan hệ huyết thống. Tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận:
Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Có thể hiểu thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống.
Khi anh trai tôi mất, tôi có được thừa kế thế vị di sản của anh trai để lại thay cho ba mẹ hay không? (Hình ảnh từ Internet)
Điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị là gì?
Căn cứ quy định chung về thừa kế thế vị đã phân tích ở trên, có thể rút ra một số điều kiện để được thừa kế thế vị như sau:
(1) Con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cháu được thừa kế thế vị); cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (chắt được thừa kế thế vị).
Như vậy, điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị đó là phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại);
(2) Những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ;
(3) Người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết;
(4) Khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết. Nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì không thể thế vị;
(5) Bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.
Có được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của anh, em ruột để lại thay cho ba, mẹ hay không?
Các trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Thứ nhất, cháu thế vị ba hoặc mẹ nhận di sản của ông, bà;
- Thứ hai, chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ.
Theo đó, thừa kế thế vị chỉ xảy ra ở hàng thừa kế thứ nhất, trong hàng thừa kế thứ nhất, người thừa kế thế vị được hưởng di sản chỉ có thể là cháu hoặc chắt. Tức là sự thế vị chỉ áp dụng cho đối tượng thuộc trực hệ đến đời thứ ba với điều kiện cháu phải sống vào thời điểm ông bà chết mới là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà, chắt phải sống vào thời điểm cụ chết mới là người thừa kế thế vị của các cụ
Như vậy, căn cứ vào các quy định kể trên, không có trường hợp nào em được thế vị từ ba, mẹ để hưởng di sản của anh, chị. Do đó, người em sẽ không thể thế vị ba, mẹ để hưởng di sản từ anh trai để lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?