Cách tính lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 2022? Nghỉ hưu trước năm 1995 thì tính thế nào?
Cách tính lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 2022?
Căn cứ Nghị định 42/2023/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng do Chính phủ ban hành ngày 29/6/2023.
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 42/2023/NĐ-CP như sau:
Thời điểm và mức điều chỉnh
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, điều chỉnh như sau:
a) Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP về đối tượng điều chỉnh của Nghị định 108/2021/NĐ-CP như sau:
Đối tượng điều chỉnh
1. Nghị định này điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2022,...
...
Như vậy, theo các quy định trên thì người nghỉ hưu trước ngày 01/01/2022 đã được hưởng lương hưu theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP thì được tăng 12,5% lương hưu.
Theo đó, việc tính lương hưu được xác định như sau:
Mức lương hưu mới | = Mức lương hưu tháng 6/2023 + (12,5% x Mức lương hưu tháng 6/2023) = 112,5% x Mức lương hưu tháng 6/2023 = 1,125 x Mức lương hưu tháng 6/2023 |
Như vậy, mức lương hưu từ tháng 7/2023 cho người nghỉ hưu trước năm 2022 được tính như sau:
Mức lương hưu mới = 1,125 x Mức lương hưu tháng 6/2023
Cách tính lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 2022? Nghỉ hưu trước năm 1995 thì tính thế nào? (Hình từ Internet)
Người nghỉ hưu trước năm 1995 thì tính lương hưu thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 42/2023/NĐ-CP như sau:
Đối tượng điều chỉnh
...
2. Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 3.000.000 đồng/tháng.
Theo đó, đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 thì vẫn được tính lương hưu tăng thêm theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 42/2023/NĐ-CP.
Đồng thời, trong trường hợp sau khi điều chỉnh nhưng vẫn có mức lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tiếp theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 42/2023/NĐ-CP. Cụ thể:
Thời điểm và mức điều chỉnh
...
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, tính từ ngày 01/7/2023, người nghỉ hưu trước năm 1995 sau khi điều chỉnh vẫn có mức lương hưu dưới 3 triệu/tháng thì sẽ được điều chỉnh như sau:
- Đối với người có mức lương hưu dưới 2,7 triệu/tháng: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng
- Đối với với người có mức lương hưu từ 2,7 triệu/tháng đến dưới 3 triệu/tháng: Lương hưu được tăng lên bằng 3 triệu/người/tháng
Trách nhiệm thực hiện điều chỉnh lương hưu theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP của các cá nhân, tổ chức ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 42/2023/NĐ-CP về tổ chức thực hiện như sau:
Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc điều chỉnh đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, h và i khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết việc điều chỉnh đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc điều chỉnh đối với đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 và đối tượng thuộc trách nhiệm giải quyết quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc điều chỉnh đối với đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 và đối tượng thuộc trách nhiệm giải quyết quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
5. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo.
6. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, h và i khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc điều chỉnh, chi trả trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
Như vậy, trong việc thực hiện điều chỉnh lương hưu theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có các trách nhiệm nêu trên.
Nghị định 42/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 14/8/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp 3 mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mới nhất hiện nay? Tải về 03 mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa?
- Thế hệ Beta là gì? Năm khởi đầu của Thế hệ Beta là năm nào? Sinh vào năm khởi đầu của Thế hệ Beta là người thành niên năm bao nhiêu?
- Cột cần vươn là gì? Giá long môn, cột cần vươn trên đường cao tốc có bố trí biển chỉ dẫn với mục đích gì?
- Thực tiễn trong triết học là gì? Ví dụ về thực tiễn trong triết học? Nhiệm vụ của sinh viên khi học môn triết học?
- Tổng hợp mẫu đơn xin nghỉ việc dành cho công nhân, người lao động mới nhất hiện nay? Trường hợp không cần làm đơn xin nghỉ việc?