Cách kiểm tra website có phải trang lừa đảo hay không như thế nào? Mức phạt cho hành vi giả mạo trang web là bao nhiêu?
Cách kiểm tra website có phải trang lừa đảo hay không như thế nào?
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, để chủ động cảnh giác trước những thông tin giả mạo, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet. Người dân có thể tra cứu thông tin, kiểm tra website mà mình truy cập theo các cách thức sau:
Cách 1: Tra cứu bằng tin nhắn
Cú pháp nhắn tin như sau:
TCTM <tên miền hoặc link website> gửi 156
Lưu ý: Tin nhắn tra cứu sẽ không bị tính phí.
Cách 2: Truy cập Hệ thống tra cứu thông tin tên miền trực tuyến
Việc tra cứu, kiểm tra website thông qua Hệ thống tra cứu thông tin tên miền trực tuyến được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Truy cập vào Hệ thống tra cứu thông tin tên miền theo đường link <https://tracuutenmien.gov.vn/>
- Bước 2: Tại trang chủ, nhập tên miền của trang web vào thanh tra cứu sau đó nhấn "Tìm kiếm".
Ví dụ như sau:
- Bước 3: Hệ thống sẽ tự động tra cứu và đưa về kết quả kiểm tra website bao gồm: Tên miền, Loại tên miền, Tên chủ thể đăng ký sử dụng, Nhà đăng ký quản lý, Ngày đăng ký, Ngày hết hạn.
Ví dụ như sau:
Cách 3: Kiểm tra website thông qua Tiện ích an toàn thông tin trực tuyến
Tiện ích an toàn thông tin trực tuyến là công cụ an toàn thông tin miễn phí cho người dân Việt Nam để kiểm tra website lừa đảo do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) công bố vào tháng 3/2020.
Để kiểm tra website lừa đảo thông qua Tiện ích an toàn thông tin, người dân thực hiện như sau:
- Bước 1: Truy cập vào Tiện ích an toàn thông tin qua đường link <https://soc.gov.vn/check-phishing>
- Bước 2: Tại trang chủ, nhập thông tin URL trang web và nhấn vào ô "Tìm kiếm"
- Bước 3: Hệ thống sẽ trả về kết quả kiểm tra website đó có an toàn hay không. Lưu ý rằng: Kết quả xuất hiện trên hệ thống chỉ mang tính chất tham khảo, giúp người dùng thêm thông tin để đánh giá website có an toàn để truy cập.
Cách kiểm tra website có phải trang lừa đảo hay không như thế nào? Mức phạt cho hành vi giả mạo trang web là bao nhiêu?
Mức phạt cho hành vi giả mạo trang web là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử như sau:
Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
b) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Đồng thời kết hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi các điểm a, b, c khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi giả mạo trang web sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt tiền:
+ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức;
+10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật
- Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền
Cơ quan nào có trách nhiệm công bố website có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP như sau:
Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
...
6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, theo quy định trên thì Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan có thẩm quyền công bố các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Danh sách trang website vi phạm được cập nhật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?
- Tải mẫu biên bản cuộc họp công ty năm 2025 hoàn chỉnh? File Word biên bản cuộc họp công ty mới nhất?
- Gợi ý quà Tết dương lịch 2025? Những món quà tặng Tết dương lịch 2025 ý nghĩa? Tết Dương lịch 2025 vào ngày mấy âm lịch?
- Lịch Vạn niên tháng 1/2025 đầy đủ, chi tiết nhất? Lịch âm dương tháng 1/2025 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?