Bồi thường, tái định cư đối với căn hộ chung cư cũ, nhà ở cũ không thuộc tài sản công từ 1/8/2024 thực hiện như thế nào?
Bồi thường, tái định cư đối với căn hộ chung cư cũ, nhà ở cũ không thuộc tài sản công từ 1/8/2024 thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Nghị định 98/2024/NĐ-CP quy định bồi thường, tái định cư đối với căn hộ chung cư cũ, nhà ở cũ không thuộc tài sản công được thực hiện như sau:
Việc bồi thường, tái định cư đối với căn hộ của nhà chung cư cũ thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 nhưng không thuộc tài sản công được thực hiện như sau:
(1) Đối với các căn hộ tại tầng 1 thì chủ sở hữu được bồi thường hệ số k từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ bị phá dỡ được ghi trong giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất qua các thời kỳ hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận này theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật nhà ở;
Căn cứ hệ số k quy định tại điểm này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hệ số k áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, làm cơ sở để chủ sở hữu và nhà đầu tư dự án thống nhất diện tích được bồi thường theo hệ số k để đưa vào phương án bồi thường, tái định cư.
Trường hợp chủ sở hữu căn hộ tại tầng 1 có một phần diện tích căn hộ để kinh doanh và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được duyệt thì ngoài việc được bồi thường như trên, nếu chủ sở hữu có nhu cầu thì được mua hoặc thuê phần diện tích sàn kinh doanh dịch vụ, thương mại theo thiết kế được duyệt để kinh doanh;
Giá bán phần diện tích này được tính theo suất đầu tư xây dựng phân bổ trên 1 m2 sàn kinh doanh dịch vụ, thương mại (bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu vực có sàn thương mại) theo quy định của pháp luật xây dựng cộng với lợi nhuận định mức bằng 10% tổng kinh phí đầu tư phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại tại thời điểm phê duyệt dự án đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở;
Giá thuê diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này do các bên thỏa thuận;
Việc mua hoặc thuê phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại quy định tại điểm này phải được nêu trong phương án bồi thường, tái định cư;
(2) Đối với căn hộ từ tầng 02 trở lên thì chủ sở hữu được bồi thường hệ số k từ 1 đến 1,5 lần diện tích sử dụng căn hộ bị phá dỡ được ghi trong giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất qua các thời kỳ hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận này theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật nhà ở;
Căn cứ hệ số k, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định hệ số k áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, làm cơ sở để các chủ sở hữu và nhà đầu tư dự án thống nhất diện tích được bồi thường theo hệ số k để đưa vào phương án bồi thường, tái định cư;
(3) Trường hợp có diện tích sử dụng ngoài diện tích ghi trong giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất quy định tại 02 trường hợp trên nhưng đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì diện tích này được bồi thường theo hệ số k quy định tại (1), (2);
Phần diện tích khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm này thì không được bồi thường theo hệ số k diện tích sử dụng căn hộ quy định tại 02 trường hợp trên nhưng có thể được chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí đã đầu tư xây dựng trên phần diện tích này.
Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính bồi thường theo hệ số k quy định tại (1), (2) được nêu rõ trong phương án bồi thường, tái định cư.
Bồi thường, tái định cư đối với căn hộ chung cư cũ, nhà ở cũ không thuộc tài sản công từ 1/8/2024 thực hiện như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Nội dung chủ yếu của phương án bồi thường, tái định cư gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 71 Luật Nhà ở 2023 quy định phương án bồi thường, tái định cư có các nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Tên của chủ đầu tư đối với trường hợp đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
(2) Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
(3) Vị trí, diện tích nhà chung cư được cải tạo, xây dựng lại; vị trí, diện tích nhà ở phục vụ tái định cư được bố trí;
(4) Hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm bố trí nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ hoặc tại địa điểm khác hoặc mua, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn hoặc nhận tiền theo quy định Luật Nhà ở 2023;
(5) Hệ số K diện tích căn hộ đối với nhà chung cư quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Nhà ở 2023; giá đất để tính bồi thường (nếu có); giá thuê nhà ở sau khi đầu tư xây dựng lại (nếu có);
(6) Giá trị căn hộ được xác định sau khi quy đổi diện tích theo hệ số K quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 71 Luật Nhà ở 2023; tiền đóng góp để xây dựng căn hộ theo tiến độ dự án hoặc nộp một lần sau khi bàn giao căn hộ đối với nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Nhà ở 2023; giá trị nhà ở phục vụ tái định cư trong trường hợp tái định cư tại địa điểm khác;
(7) Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 60 Luật Nhà ở 2023;
(8) Phương án xử lý đối với các căn hộ còn lại sau khi đã bố trí tái định cư;
(9) Khoản tiền chênh lệch (nếu có) mà chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc chủ sở hữu phải thanh toán giữa giá trị nhà ở phục vụ tái định cư và giá trị nhà ở chủ sở hữu sẽ nhận theo phương án bồi thường, tái định cư;
(10) Thời gian thực hiện dự án; thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời; thời gian bàn giao nhà ở phục vụ tái định cư theo hình thức quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 Luật Nhà ở 2023;
(11) Kinh phí hỗ trợ di dời, thuê nhà ở tạm thời và các kinh phí liên quan khác (nếu có);
(12) Kinh phí bảo trì sau khi xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của Luật này;
(13) Bồi thường, tái định cư đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ chung cư (nếu có).
Ai có quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư?
Căn cứ khoản 2 Điều 71 Luật Nhà ở 2023 quy định thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư như sau:
Nội dung và thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư
...
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo thẩm quyền và kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện đúng phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty thưởng Tết bằng vàng có được không? Nhân viên có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
- Tổ chức Lễ dâng hương dâng hoa trong Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
- Cách viết đơn xin vào Đảng năm 2025 chuẩn nhất? Mẫu đơn xin vào đảng viết tay mẫu 1-KNĐ mới nhất năm 2025?
- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia trong hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vào thời gian nào?
- Đơn khởi kiện tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư là mẫu nào? Cách viết đơn khởi kiện?