Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những ai theo Thông tư 17/2023/TT-BNV?
Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những ai?
Căn cứ Điều 27 Nội quy và Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV có nêu quy định chung về Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:
Quy định chung
1. Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức (sau đây viết tắt là Ban giám sát) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên, trong đó có một thành viên kiêm Thư ký.
2. Ban giám sát được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ trong việc điều hành, tổ chức các hoạt động liên quan đến giám sát hoạt động kiểm định và được sử dụng tài khoản của cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.
Như vậy, theo quy định thì Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm:
- Trưởng ban,
- Phó Trưởng ban
- Các thành viên, trong đó có một thành viên kiêm Thư ký.
Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những ai theo Thông tư 17/2023/TT-BNV? (Hình từ Internet)
Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm gì?
Căn cứ quy định tại Điều 28 Nội quy và Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thành viên Ban giám sát
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban giám sát
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức kiểm định trong quá trình thực hiện giám sát việc tổ chức thi của Hội đồng kiểm định theo quy định của pháp luật; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban giám sát và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nội quy và Quy chế này.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban giám sát
Giúp Trưởng ban giám sát điều hành một số hoạt động của Ban giám sát theo sự phân công của Trưởng ban giám sát; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng ban giám sát về nhiệm vụ được phân công.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban giám sát
a) Thực hiện nhiệm vụ giám sát theo phân công của Trưởng ban giám sát; báo cáo Trưởng ban giám sát về kết quả giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng ban giám sát về nhiệm vụ được phân công.
b) Thành viên Ban giám sát được quyền vào phòng thi trong thời gian tổ chức thi; có quyền nhắc nhở thí sinh, Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, giám thị phòng thi, giám thị hành lang, kỹ thuật viên máy vi tính và các thành viên khác của Hội đồng kiểm định, thành viên các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định trong việc thực hiện nội quy, quy chế; được quyền yêu cầu giám thị phòng thi lập biên bản đối với thí sinh trong phòng thi vi phạm nội quy, quy chế (nếu có).
c) Kết thúc mỗi kỳ kiểm định, chậm nhất sau 03 ngày làm việc Ban giám sát có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ về kết quả hoạt động của Ban giám sát.
d) Thành viên kiêm Thư ký Ban giám sát có trách nhiệm ghi biên bản các cuộc họp của Ban giám sát.
4. Thành viên Ban giám sát được quyền lập biên bản trong trường hợp thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định vi phạm nội quy, quy chế và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức kiểm định xem xét, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
5. Nội dung giám sát gồm: thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức kiểm định; về thực hiện nội quy, quy chế; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định.
6. Địa điểm giám sát: Tại địa điểm làm việc của Hội đồng kiểm định tổ chức kiểm định và tại các điểm thi.
7. Tiêu chuẩn thành viên Ban giám sát
a) Thành viên Ban giám sát là công chức, viên chức của tổ chức thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền kiểm định hoặc các thành viên khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
b) Không bố trí những người tham gia làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định làm thành viên Ban giám sát.
8. Trường hợp thành viên Ban giám sát không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc can thiệp vào công việc của các thành viên Hội đồng kiểm định hoặc các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định với động cơ, mục đích cá nhân thì thành viên Hội đồng kiểm định hoặc các ban giúp việc của Hội đồng kiểm định có quyền đề nghị Trưởng ban giám sát đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban giám sát đó; đồng thời, Trưởng ban giám sát có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
9. Trường hợp Trưởng ban giám sát có hành vi phạm pháp luật về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, vi phạm hành vi được quy định tại khoản 8 Điều này hoặc cố tình bao che cho các vi phạm của thành viên Ban giám sát thì Hội đồng kiểm định có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ để xem xét, đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban giám sát.
Như vậy, Ban giám sát kiểm định chất lượng đầu vào công chức có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo nội dung nêu trên.
Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP, việc thực hiện kiểm định chất lượng công chức phải đáp ứng các nguyên tắc sau:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
- Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
- Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
- Không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Thông tư 17/2023/TT-BNV sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2024
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 6 tháng 1 là ngày gì? Ngày 6 tháng 1 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? Ngày 6 1 2025 thứ mấy?
- Viết đoạn văn kể lại một lần em làm việc nhà được cha mẹ khen hay nhất? Nhiệm vụ của học sinh tiểu học mới nhất là gì?
- 03 Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ hàng tháng năm 2025 mới nhất? Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ mới nhất 2025 hàng tháng?
- Ngày 7 tháng 1 là ngày gì? Ngày 7 tháng 1 dương lịch là ngày bao nhiêu âm lịch? Ngày 7 tháng 1 có phải lễ lớn?
- Giải quyết khiếu nại về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Nghị định 147 như thế nào?