APEC là gì? Thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì? Thẻ đi lại doanh nhân APEC được cấp cho những đối tượng nào?
APEC là gì? Thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì?
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.
APEC được thành lập vào tháng 11 năm 1989 với 12 thành viên sáng lập: Australia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada và Hoa Kỳ. Hiện nay, APEC gồm 21 thành viên, ngoài 12 thành viên sáng lập, các thành viên khác bao gồm: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông, Đài Loan, Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam.
Việt Nam gia nhập APEC năm 1998. Tuy là một nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn chuyển đổi, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động của APEC. Tháng 10/1998, ta đã hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia (IAP) và nộp cho APEC, sau đó hằng năm chúng ta tiếp tục nâng cấp và cụ thể hóa hơn các cam kết đưa ra trong IAP. Cam kết và thực hiện IAP của Việt Nam được coi là nghiêm túc nhất trong số các thành viên mới gia nhập (đã mở rộng cam kết trong 11 trên tổng số 15 lĩnh vực). Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung dành ưu tiên cho chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tham gia có chọn lọc một số Kế hoạch hành động tập thể (CAP) như thủ tục hải quan, tiêu chuẩn chất lượng, du lịch...
Ngoài ra, APEC có cơ cấu tổ chức như sau:
(1) Hội nghị Cấp cao APEC;
(2) Hội nghị Bộ trưởng APEC;
(3) Hội nghị các chuyên viên cao cấp;
(4) Ban Thư ký APEC;
(5) Các ủy ban chuyên môn: (i) ủy ban quản trị và ngân sách (BMC); (ii) ủy ban thương mại và đầu tư (CTI); (iii) ủy ban kinh tế (EC);
(6) Các nhóm công tác: Hiện có 14 Nhóm công tác hoặc chuyên gia phụ trách các lĩnh vực chuyên môn trong APEC;
(7) Hội đồng tư vấn doanh nhân (ABAC).
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg thì thẻ đi lại doanh nhân APEC, gọi tắt là thẻ ABTC, là một loại thẻ do cơ quan có thẩm quyền của nền kinh tế thành viên APEC cấp cho doanh nhân của mình sau khi nhận được sự đồng ý cho phép nhập cảnh từ các nền kinh tế thành viên khác.
APEC là gì? Thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì? (Hình từ Internet)
Thẻ đi lại doanh nhân APEC được cấp cho những đối tượng nào?
Tại Điều 9 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg có quy định đối tượng được xem xét cấp thẻ ABTC như sau:
(1) Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước:
- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng;
- Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
- Kế toán trưởng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.
(2) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
(3) Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch công ty; Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc doanh nghiệp;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã;
- Kế toán trưởng, Giám đốc bộ phận hoặc Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.
(4) Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.
(5) Trưởng đại diện, Phó Trưởng đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.
Điều kiện để được kết nạp thành viên APEC là gì?
Các điều kiện tiền đề để xem xét việc gia nhập APEC của một nền kinh tế là:
- Nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương;
- Có quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với các nền kinh tế trong khu vực; - Quyết tâm theo đuổi chính sách kinh tế mở;
- Quyết tâm thực hiện các chính sách của APEC đề ra;
- Nền kinh tế phải hoàn thiện Chương trình Hành động Tập thể (CAP) và Chương trình Hành động Quốc gia (IAP) theo quy định của APEC.
Ngoài qui chế thành viên chính thức, APEC còn có qui chế quan sát viên dành cho ba tổ chức khu vực là ASEAN, PECC và Diễn đàn Nam Thái Bình Dương (SPF) (không có qui chế quan sát viên cho một nước hay vùng lãnh thổ riêng biệt). Các nước không phải thành viên APEC có thể được tham gia các hoạt động của APEC với tư cách khách mời tại các Nhóm Công tác của APEC (từ tháng 2-1996, Pêru được tham gia các Nhóm công tác về nghề cá và du lịch; một vài nước khác, trong đó có Nga và Ấn Độ cũng đang xin tham gia vào các Nhóm Công tác mà họ quan tâm).
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?