Ai có quyền trưng cầu giám định hoạt động thanh tra theo quy định mới tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP?
- Ai có quyền trưng cầu giám định hoạt động thanh tra?
- Cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra?
- Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định ra sao?
- Thời gian thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra là bao lâu? Kết luận giám định có những gì?
- Nghị định 43/2023/NĐ-CP khi nào được chính thức áp dụng?
Ai có quyền trưng cầu giám định hoạt động thanh tra?
Căn cứ Nghị định 43/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022.
Tại Điều 34 Nghị định 43/2023/NĐ-CP có quy định về trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra như sau:
Trưng cầu giám định
1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn cùng cấp giám định về nội dung đó.
2. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn thực hiện việc giám định trong đó nêu rõ nội dung cần giám định và thời hạn thực hiện giám định.
Như vậy, theo quy định tại nội dung nêu trên thì chủ thể có quyền yêu cầu trưng cầu giám định hoạt động thanh tra bao gồm:
- Người ra quyết định thanh tra;
- Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Ai có quyền trưng cầu giám định hoạt động thanh tra theo quy định mới tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP? (Hình từ Internet)
Cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra?
Căn cứ quy định tại Điều 35 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:
Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức giám định ngoài công lập thực hiện việc giám định theo yêu cầu của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Theo đó, cơ quan tổ chức thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra bao gồm:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương
- Các đơn vị sự nghiệp công lập
- Tổ chức giám định ngoài công lập
Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định ra sao?
Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 43/2023/NĐ-CP.
Cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định
1. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền:
a) Thành lập Hội đồng giám định gồm những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định;
b) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung được yêu cầu giám định;
c) Sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định;
d) Từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Được nhận thù lao giám định.
2. Cơ quan, tổ chức giám định có nghĩa vụ:
a) Thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định;
c) Không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.
Như vậy, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có 05 quyền và 03 nghĩa vụ nêu trên.
Thời gian thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra là bao lâu? Kết luận giám định có những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:
Thời gian thực hiện giám định
1. Thời gian giám định do người ra quyết định thanh tra quyết định.
2. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời gian thực hiện giám định sẽ không có một mốc cụ thể mà do người ra quyết định thanh tra quyết định.
Trong một số trường hợp không thể hoàn thành đúng thời hạn, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Về nội dung kết luận giám định, khoản 1 Điều 38 Nghị định 43/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Kết luận giám định
1. Kết luận giám định bao gồm các nội dung sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định;
b) Tên cơ quan yêu cầu giám định;
c) Thông tin xác định đối tượng giám định;
d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Phương pháp thực hiện giám định;
g) Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo yêu cầu giám định;
h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
Như vậy, kết luận giám định hoạt động thanh tra sẽ bao gồm 08 nội dung nêu trên.
Nghị định 43/2023/NĐ-CP khi nào được chính thức áp dụng?
Về hiệu lực thi hành, căn cứ Điều 69 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.
Như vậy, quy định mới tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP được áp dụng kể từ ngày 15/8/2023.
Xem toàn bộ Nghị định 43/2023/NĐ-CP Tại đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động thì xử phạt hành chính như thế nào theo quy định?
- Luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ dân sự có mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Luật nào?
- Siêu hình trong triết học là gì? Phương pháp siêu hình là gì? Sinh viên học môn triết học có nhiệm vụ gì?
- Ngày 8 tháng 12 âm lịch là ngày gì? Ngày 8 tháng 12 âm lịch có phải là ngày lễ nghỉ nguyên lương của người lao động không?
- Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng là gì? Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh được xác định thế nào?