07 trường hợp được ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2024 là những trường hợp nào?
07 trường hợp được ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh là những trường hợp nào?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Thực hiện kịp thời và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
5. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
6. Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, theo khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 nêu trên thì các đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh bao gồm:
- Người bệnh trong tình trạng cấp cứu;
- Trẻ em dưới 06 tuổi;
- Phụ nữ có thai;
- Người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người khuyết tật nặng;
- Người từ đủ 75 tuổi trở lên;
- Người có công với cách mạng.
So với quy định hiện nay tại khoản 4 Điều 3 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009, đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh đã được mở rộng cho người khuyết tật đặc biệt nặng. Đồng thời, độ tuổi ưu tiên khám chữa bệnh đối với người lớn tuổi cũng được giảm từ mức từ đủ 80 tuổi xuống từ đủ 75 tuổi.
07 trường hợp được ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2024 là những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Việc thực hiện quyền của trẻ em dưới 6 tuổi khi khám chữa bệnh được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 như sau:
Việc thực hiện quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên và người bệnh không có thân nhân
1. Trường hợp người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng trước đó đã có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình thì thực hiện theo nguyện vọng của người bệnh.
2. Trường hợp người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng trước đó không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình thì thực hiện như sau:
a) Nếu có người đại diện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người đại diện;
b) Nếu không có người đại diện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Trường hợp người bệnh là người chưa thành niên thì thực hiện như sau:
a) Nếu có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người đại diện;
b) Nếu không có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy việc thực hiện quyền của trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện theo quyết định của người đại diện nếu như có người đại diện.
Những ai được làm người đại diện của người bệnh? Một người bệnh có thể có nhiều người đại diện không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm:
- Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn;
- Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Người không thuộc đối tượng nêu trên nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Về số lượng người đại diện, khoản 1 Điều 8 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Người đại diện của người bệnh
1. Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm.
Như vậy, theo quy định thì một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm.
Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chính quyền địa phương ở thị trấn bao gồm những cơ quan nào? Phải chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương ở huyện về điều gì?
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cơ quan nào? Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc được triệu tập bất thường khi nào?
- Mẫu bản cam kết phòng chống bạo lực học đường của học sinh trung học là mẫu nào? Tải về tại đâu?
- Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã miền núi, vùng cao và hải đảo là gì?
- Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp nào? Có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định không?