Hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe máy, ô tô bắt buộc từ ngày 06/9/2023 được quy định như thế nào theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP?
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe máy, ô tô bắt buộc từ ngày 06/9/2023 được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:
(1) Văn bản yêu cầu bồi thường. (Quy định trước đây không yêu cầu)
(2) Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp):
- Giấy chứng nhận đăng ký xe (hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký xe).
- Giấy phép lái xe.
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm.
(3) Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp). Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:
- Giấy chứng nhận thương tích.
- Hồ sơ bệnh án.
- Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.
(4) Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:
- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).
- Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Lưu ý: Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm 4 tài liệu nêu trên.
(5) Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu này.
(6) Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu này.
(7) Quyết định của Tòa án (nếu có). (Quy định trước đây không yêu cầu)
Quyết định của Tòa án do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy, ô tô gồm các tài liệu nêu trên.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe máy, ô tô bắt buộc từ ngày 06/9/2023 được quy định như thế nào? (Hình từ internet)
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phải có những nội dung nào?
Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về Giấy chứng nhận bảo hiểm như sau:
Giấy chứng nhận bảo hiểm
1. Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
b) Biển số xe và số khung, số máy.
c) Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
d) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
đ) Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.
e) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
g) Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
h) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
i) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
3. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
- Biển số xe và số khung, số máy.
- Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.
- Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
- Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Thời hạn bảo hiểm
1. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm, trừ các trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm sau đây:
a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm.
b) Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật.
c) Xe cơ giới thuộc đối lượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
...
Theo đó, thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm, trừ các trường hợp sau:
- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm.
- Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật.
- Xe cơ giới thuộc đối lượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quỹ Từ thiện sống xanh là gì? Trụ sở Quỹ từ thiện sống xanh ở đâu? Phạm vi hoạt động Quỹ từ thiện sống xanh?
- Vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được dùng để làm gì? Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm những gì?
- Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài có hết hiệu lực khi hợp đồng không còn hiệu lực không?
- Thành viên Đoàn thanh tra Kiểm toán Nhà nước là ai? Thay đổi thành viên Đoàn thanh tra Kiểm toán Nhà nước khi nào?
- Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là gì? Thời gian không được tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự?