Gọi điện khủng bố, bôi nhọ người khác để đòi tiền mặc dù không vay có thể bị truy cứu TNHS tội gì?
Gọi điện khủng bố, tung ảnh bôi nhọ người khác để đòi tiền mặc dù không vay có thể bị truy cứu TNHS tội gì?
Gọi điện khủng bố, đe dọa hay tung ảnh bôi nhọ người khác trên các diễn đàn nhằm đòi nợ mặc dù người đó không vay tiền có thể vi phạm các tội sau:
(1) Tội cưỡng đoạt tài sản
Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt nêu trên, có mức phạt tù từ 01 - 20 năm tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Gọi điện khủng bố, bôi nhọ người khác để đòi tiền mặc dù không vay có thể bị truy cứu TNHS tội gì? (Hình từ Internet)
(2) Tội làm nhục người khác
Căn cứ theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích bôi nhọ người khác, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này cấu thành tội “Làm nhục người khác”.
Còn việc sử dụng mạng viễn thông để làm nhục, tung ảnh bôi nhọ người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, có mức phạt tù từ 03 tháng đến 5 năm tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
(3) Tội vu khống
Căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội “Vu khống”, có mức phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Xử phạt hành chính về hành vi gọi điện khủng bố, tung ảnh bôi nhọ người khác để đòi nợ?
Trong trường hợp có các hành vi tương tự như trên nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể:
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức, đối với hành vi vi phạm của cá nhân bằng 1/2 của tổ chức.
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Mẫu đơn trình báo và tố giác tội phạm mới nhất?
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu đơn trình báo về việc bị gọi điện khủng bố, tung ảnh bôi nhọ để đòi tiền dù không vay. Tuy nhiên, người dân có thể tham khảo Mẫu đơn trình báo với các cơ quan nhà nước như sau:
Xem và tải Mẫu đơn trình báo Tải về
Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu là tội phạm thì làm đơn tố giác tội phạm theo mẫu dưới đây.
Xem và tải Mẫu đơn tố giác tội phạm Tải về
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định đổi lại thẻ đảng viên bị hỏng hiện nay là mẫu nào? Thủ tục đổi lại thẻ đảng viên bị hỏng như thế nào?
- Bản kiểm điểm Đảng viên dự bị 2024 mẫu 10-KNĐ? Cách viết mẫu bản kiểm điểm Đảng viên dự bị 2024 thế nào?
- Hướng dẫn hiệp thương chọn cử Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các chức danh lãnh đạo của Hội ở các cấp?
- Hạn nộp tờ khai thuế tháng 10/2024 là khi nào? Có được gia hạn nộp tờ khai thuế tháng 10/2024 không?
- Là thành viên các group xin link 18+ trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng?