Giống thủy sản muốn được lưu thông trên thị trường có cần phải thông qua kiểm dịch theo quy định?
- Giống thủy sản muốn được lưu thông trên thị trường có cần phải thông qua kiểm dịch không?
- Người sản xuất giống thủy sản có cần áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản không?
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là áp dụng những gì?
Giống thủy sản muốn được lưu thông trên thị trường có cần phải thông qua kiểm dịch không?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Thủy sản 2017 quy định về quản lý giống thủy sản như sau:
Quản lý giống thủy sản
1. Giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;
b) Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;
c) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng;
d) Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
Giống thủy sản muốn được lưu thông trên thị trường có cần phải thông qua kiểm dịch theo quy định? (Hình từ Internet)
Người sản xuất giống thủy sản có cần áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản không?
Căn cứ Điều 24 Luật Thủy sản 2017 quy định như sau:
Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;
b) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
c) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;
d) Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản 2017 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
...
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố;
b) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố;
c) Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
d) Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
đ) Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định;
e) Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc;
g) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
h) Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
Theo đó, một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản là phải áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.
Như vậy, người sản xuất giống thủy sản phải áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố.
Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là áp dụng những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định:
Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
...
2. Điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau:
Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, theo quy định trên, xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là áp dụng các nội dung sau:
+ Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng;
+ Giống thủy sản trong quá trình sản xuất;
+ Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải;
+ Tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy;
+ Kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở;
+ Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?