Giết người do thường xuyên bị áp bức tinh thần thì phạm tội gì? Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có được hưởng án treo hay không?
Giết người do thường xuyên bị áp bức tinh thần thì phạm tội gì?
Theo như thông tin chị cung cấp thì đối với trường hợp này có thể xác định phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cụ thể tại Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm."
Như vậy, để xác định đây có phải là hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không thì cần hiểu rõ khái niệm "trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" là gì và như thế nào là "hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân". Hiện nay, không có văn bản nào hướng dẫn về khái niệm này tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tuy nhiên có thể kham thảo tinh thần của Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn “tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” tại Bộ luật Hình sự 1985 như sau:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (theo Điều 102).”
Hành vi của chồng chị là hành vi trái pháp luật, gây tổn hại tinh thần, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của chị. Hành vi này của chồng chị lặp đi lặp lại đã tạo tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề lên chị, làm cho tinh thần của chị bị kích động mạnh; sự kích động đó đã âm ĩ, kéo dài cho đến lúc chồng chị lại tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật này. Và đến thời điểm này, chị bị kích động mạnh đến mức không thể tự kiềm chế được, đẫn đến chị đã dùng bát ném vào đầu anh A dẫn đến anh A tử vong.
Do đó, trong trường hợp này, chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Tội giết người
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có được hưởng án treo hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 65. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
..."
Như vậy, người phạm tội trong trường hợp này nếu bị kết án không quá 3 năm tù thì có thể được tòa án xem xét cho hưởng án treo khi căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ.
Người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hưởng án treo thì bao lâu được xóa án tích?
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
..."
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không thuộc các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này cho nên sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Nếu sau một năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hưởng án treo sẽ đương nhiên được xóa án tích.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân xác định theo phương thức nào? Quỹ được xếp loại A khi nào?
- Tài khoản kế toán thuế xuất khẩu nhập khẩu là gì? Danh mục tài khoản kế toán thuế xuất khẩu nhập khẩu được quy định thế nào?
- Nhà đầu tư có được sử dụng một công ty điều hành để quản lý nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài không?
- Chương trình tài liệu bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước gồm những loại nào? Tổ chức xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu thế nào?
- Hồ sơ kê khai trực tuyến khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không còn hiệu lực khi nào?