Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường khi doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hết hạn vào tháng 6/2022 thì có được sử dụng đến hết năm không?
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp hết hạn vào tháng 6/2022 thì có được sử dụng đến hết năm không?
- Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sản xuất có trách nhiệm gì?
- Doanh nghiệp có thể tính gộp phần tái chế phế liệu nhập khẩu vào tỷ lệ tái chế của doanh nghiệp không?
Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp hết hạn vào tháng 6/2022 thì có được sử dụng đến hết năm không?
Căn cứ khoản 18 Điều 168 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định liên quan đến giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sau:
"Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp
[...]
18. Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã hết hạn hoặc còn hiệu lực dưới 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã giải thể, phá sản hoặc trường hợp cơ sở bị xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo danh sách tổ chức, cá nhân được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản này, trong đó xác định rõ thời gian kéo dài, chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu dựa trên các căn cứ sau đây: chủng loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải phù hợp với giấy phép môi trường thành phần và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành; khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được xác định cụ thể theo số tháng còn lại nhưng không quá 12 tháng của thời gian kéo dài giấy phép môi trường thành phần đã được cấp. Văn bản thông báo nêu trên phải được gửi cho tổ chức, cá nhân để biết; đồng thời gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở sử dụng trực tiếp phế liệu nhập khẩu và Tổng cục Hải quan để giám sát việc thực hiện.
[...]"
Theo thông tin bạn cung cấp, doanh nghiệp bạn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã hết hạn vào tháng 6/2022.
Như vậy, theo quy định trên, pháp luật hiện hành đã kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Tức hiện doanh nghiệp bạn vẫn có thể sử dụng giấy phép môi trường thành phần trên.
Đồng thời, tại khoản này cũng có quy định:
"Tổ chức, cá nhân được kéo dài giấy phép môi trường thành phần theo quy định tại khoản này có các trách nhiệm sau đây:
a) Bảo đảm cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của mình đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 45 Nghị định này;
b) Sau thời gian kéo dài hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này."
Như vậy, khi được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần, doanh nghiệp bạn cần đảm bảo tuân thủ đúng những quy định nêu trên.
Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sản xuất có trách nhiệm gì?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sau:
"Điều 45. Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
[...]
9. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm như sau:
a) Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;
c) Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm."
Doanh nghiệp có thể tính gộp phần tái chế phế liệu nhập khẩu vào tỷ lệ tái chế của doanh nghiệp không?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP liên quan đến tỷ lệ tái chế bắt buộc như sau:
"Điều 78. Tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc
[...]
3. Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc. Việc tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu."
Như vậy, việc doanh nghiệp tiến hành tái chế đối với số phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Buôn người là gì? Những thủ đoạn buôn người phổ biến? Trình báo nạn buôn người với cơ quan nào?
- Chồng phá tán tài sản gia đình có phải căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương hay không?
- Nghị định 73 về chế độ tiền thưởng quyết định chi thưởng tết dựa trên cơ sở nào? Tải về Mẫu Quyết định chi thưởng tết theo Nghị định 73?
- Đèn giao thông bị hỏng, ưu tiên chấp hành hiệu lệnh của CSGT hay tín hiệu đèn giao thông trước? Mức xử phạt khi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT?
- Tổng hợp Công văn hướng dẫn tiền thưởng theo Nghị định 73/2024 với cán bộ, công chức, viên chức mới nhất?