Giấy phép viễn thông được cấp theo nguyên tắc nào? Doanh nghiệp sửa chữa Giấy phép viễn thông thì bị xử phạt thế nào?
Giấy phép viễn thông được cấp theo nguyên tắc nào?
Theo Điều 35 Luật Viễn thông 2009 quy định về nguyên tắc cấp giấy phép viễn thông như sau:
Nguyên tắc cấp giấy phép viễn thông
1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
2. Ưu tiên cấp giấy phép viễn thông cho dự án có khả năng triển khai nhanh trên thực tế, có cam kết cung cấp dịch vụ lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ viễn thông; dự án cung cấp dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Trường hợp việc cấp giấy phép viễn thông có liên quan đến sử dụng tài nguyên viễn thông thì chỉ được xét cấp nếu việc phân bổ tài nguyên viễn thông là khả thi, theo đúng quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.
4. Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông, về việc triển khai thực hiện các quy định tại giấy phép và cam kết với cơ quan cấp phép.
5. Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Theo đó, Giấy phép viễn thông sẽ được cấp theo những nguyên tắc được quy định tại Điều 35 nêu trên.
Tải về mẫu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn mới nhất 2023:
Giấy phép viễn thông (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp sửa chữa Giấy phép viễn thông thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ khoản 2, điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về Giấy phép viễn thông như sau:
Vi phạm các quy định về Giấy phép viễn thông
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng không gửi thông báo chính thức khai thác mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa Giấy phép viễn thông.
3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng viễn thông dùng riêng hoặc thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông nhưng không có giấy phép.
4. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng viễn thông công cộng hoặc cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc lắp đặt cáp viễn thông trên biển nhưng không có giấy phép.
5. Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép viễn thông.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại giấy phép cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo quy định trên, doanh nghiệp sửa đổi Giấy phép viễn thông thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc nộp lại giấy phép cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt doanh nghiệp sửa đổi Giấy phép viễn thông không?
Theo khoản 2 Điều 115 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Như vậy, doanh nghiệp sửa đổi Giấy phép viễn thông thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 30.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt doanh nghiệp này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?
- Đảng viên phải tự kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên trước chi bộ vào cuối năm đúng không?
- Có trở thành công ty đại chúng khi chưa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng? Phải đăng ký cổ phiếu tập trung tại đâu?