Giấy chứng tử là gì? Đối tượng nào có quyền xin trích lục khai tử? Cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử như thế nào?
Giấy chứng tử là gì? Trích lục khai tử là gì?
Giấy chứng tử là một loại giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho gia đình, thân nhân, người đại diện để xác nhận một người đã chết.
Trong trường hợp gia đình làm mất Giấy chứng tử có thể liên hệ trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xin cấp bản sao trích lục khai tử.
Trong đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 thì xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch sau:
- Khai sinh;
- Kết hôn;
- Giám hộ;
- Nhận cha, mẹ, con;
- Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
- Khai tử.
Trích lục khai tử là văn bản do cơ quan nhà nước cấp cho người đăng ký nhằm chứng minh sự kiện một cá nhân đã chết và việc này đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục khai tử được cấp ngay sau khi đăng ký khai tử.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký.
Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Đối tượng nào có quyền xin trích lục khai tử?
Hiện nay, Luật Hộ tịch 2014 hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về việc người có quyền yêu cầu cấp trích lục khai tử.
Tuy nhiên, có thể căn cứ vào các quy định sau để xác định người có quyền yêu cầu, cụ thể như sau:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 về thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử:
Thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Hộ tịch năm 2014 về thủ tục đăng ký khai tử:
Thủ tục đăng ký khai tử
...
2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
Như vậy, kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử.
Đồng thời, những đối tượng này cũng là người có quyền xin cấp trích lục khai tử.
Đối tượng nào có quyền xin trích lục khai tử? (Hình từ Internet)
Cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử như thế nào?
Đối chiếu với quy định tại Điều 34 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử như sau:
(i) Mục “Đã chết vào lúc” được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trong đó ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm chết bằng số và bằng chữ; trường hợp không rõ giờ, phút thì để trống.
(ii) Mục “Nơi chết” ghi rõ tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi có trụ sở cơ sở y tế trong trường hợp chết tại cơ sở y tế.
Trường hợp chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, chết tại trại giam, trại tạm giam, nơi thi hành án tử hình, tại trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc không xác định được nơi chết thì ghi địa danh hành chính đủ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết.
(iii) Mục Nguyên nhân chết trong Sổ đăng ký khai tử được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; trường hợp không có giấy tờ này hoặc chưa xác định được thì để trống.
(iv) Phần ghi về Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử phải ghi rõ tên giấy tờ; số, ngày, tháng, năm cấp; cơ quan, tổ chức cấp. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai tử đồng thời có trách nhiệm cấp Giấy báo tử thì không thực hiện cấp Giấy báo tử; mục Giấy báo tử trong Trích lục khai tử và Sổ đăng ký khai tử để trống.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có thể dùng phụ lục hợp đồng lao động để điều chỉnh tăng lương đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động không?
- Nộp tiền thuế trực tiếp bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước thì ngày đã nộp thuế xác định là ngày nào?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10685-7:2024 ISO 1927-7:2012 về nguyên tắc vật liệu chịu lửa không định hình ra sao?
- Thông tư 23/2024/TT-BKHĐT thay thế Thông tư 07 quy định mẫu hồ sơ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu thế nào?
- Có tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất đã được thu hồi nhưng chưa hoàn thành việc bồi thường không?