Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới có phải quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay không?
Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới có phải quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay không?
Trường hợp xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Phạm vi áp dụng
...
2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Theo đó, các bên tham gia vào quan hệ mua bán trong giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới gồm có: Bên bán, bên mua và sàn thương mại điện tử (trung gian mua bán).
- Trường hợp bên bán hoặc bên mua là tổ chức, cá nhân nước ngoài: Xác định, quan hệ mua bán hàng hóa có sự tham gia của một bên nước ngoài nên giao dịch này được xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Trường hợp bên bán và bên mua là tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán thông qua sàn thương mại điện tử ở nước ngoài: mặc dù bên bán và bên mua là các tổ chức cá nhân Việt Nam, nhưng quan hệ mua bán này vẫn phải xuất hiện thêm một tổ chức nước ngoài là sàn thương mại điện tử với tư cách là trung gian kết nối việc thực hiện mua bán hàng hóa giữa các bên.
Do đó, giao dịch thương mại điện tử này vẫn được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thương mại điện tử (Hình từ Internet)
Việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử gồm những nội dung nào?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử gồm những nội dung sau:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng thương mại điện tử và các quy định về quản lý dịch vụ thương mại điện tử đặc thù.
- Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử.
- Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử.
- Thống kê về thương mại điện tử.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử phải được thể hiện ở đâu?
Nơi thể hiện quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử được quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP như sau:
Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử phải được thể hiện trên trang chủ của website.
2. Quy chế hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử phải bao gồm các nội dung sau:
a) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
b) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử có kết hợp nhiều hình thức hoạt động khác nhau, mô tả quy trình giao dịch đối với từng hình thức tổ chức hoạt động này, bao gồm quy trình giao nhận hàng hóa (nếu có);
d) Hoạt động rà soát và thẩm quyền xử lý của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi phát hiện các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch;
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trường hợp một giao dịch có nhiều hơn 02 bên tham gia thì phải phân định rõ trách nhiệm giữa các bên bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ;
e) Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong những giao dịch thực hiện trên sàn;
g) Các quy định về an toàn thông tin, cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin và quản lý thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
h) Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch tiến hành trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
...
Như vậy, quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử phải được thể hiện trên trang chủ của website và gồm những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 38 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mua hàng Chợ Tết công đoàn từ ngày mấy đến ngày mấy? Ai được mua hàng Chợ Tết công đoàn? Công đoàn Việt Nam là tổ chức thế nào?
- Cuộc họp hội đồng trường cao đẳng sư phạm được xem là hợp lệ khi nào? Tỷ lệ thành viên ngoài trường của Hội đồng?
- Các ngày lập xuân hạ thu đông năm 2025? Bốn mùa xuân hạ thu đông rơi vào tháng mấy 2025? Các mùa trong năm 2025?
- Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng là gì? Chủ đầu tư phải lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn thế nào để thẩm tra dự án đầu tư xây dựng?
- Mẫu tờ trình đề nghị thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục mới nhất hiện nay là mẫu nào?