Giao dịch của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam với người nước ngoài có phải là giao dịch được thống kê để lập cán cân thanh toán không?
Giao dịch của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam với người nước ngoài có phải là giao dịch được thống kê để lập cán cân thanh toán không?
Giao dịch của tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam với người nước ngoài
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, còn được gọi là cán cân thanh toán, là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.
Hai chủ thể người cư trú và người không cư trú được hiểu như sau:
(1) Người cư trú: căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 gồm những tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
- Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;
- Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;
- Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
- Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;
- Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.
(2) Người không cư trú: là các đối tượng không thuộc những đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013
Xét 2 chủ thể trong giao dịch bạn nêu là tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và người nước ngoài:
(1) Tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 là tổ chức thuộc đối tượng "người cư trú"
(2) Người nước ngoài: ở đây bạn chưa nêu rõ đây có phải là người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013, cụ thể là "Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú" hay không.
Trường hợp người nước ngoài không thuộc quy định nêu trên thì sẽ được xem là người không cư trú, do đó giao dịch giữa tổ chức tín dụng nói trên và người nước ngoài được xem là giao dịch dùng để tổng hợp lập cán cân thanh toán. Trường hợp ngược lại, nếu người nước ngoài thuộc đối tượng tại điểm h nêu trên, đây là giao dịch giữa hai "người cư trú", do đó không phải là giao dịch dùng để thống kê vào cán cân thanh toán.
Thời hạn lập cán cân thanh toán là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, thời hạn lập và phân tích cán cân thanh toán được quy định như sau:
- Cán cân thanh toán được lập và phân tích theo định kỳ quý, năm.
- Thời hạn báo cáo cán cân thanh toán:
+ Cán cân thanh toán quý được lập và phân tích trong thời gian 45 ngày kể từ khi kết thúc quý báo cáo;
+ Cán cân thanh toán năm được lập và phân tích trong thời gian 60 ngày kể từ khi kết thúc năm báo cáo.
Cơ cấu cán cân thanh toán gồm những nội dung chủ yếu nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cán cân thanh toán gồm những hạng mục chủ yếu sau đây:
- Cán cân vãng lai bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư, chuyển giao vãng lai được quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Nghị định này;
- Cán cân vốn bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về chuyển giao vốn được quy định tại Điều 18 của Nghị định này và mua, bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất của khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân;
- Cán cân tài chính bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 của Nghị định này;
- Lỗi và sai sót là phần chênh lệch giữa tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính với cán cân thanh toán tổng thể;
- Cán cân thanh toán tổng thể được xác định bằng thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.
Như vậy, thời hạn và nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán được quy định cụ thể tại Nghị định 16/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, giao dịch giữa tổ chức tín dụng Việt Nam hoạt động trong nước và người nước ngoài để xác định có phải là giao dịch được dùng để tổng hợp xác lập cán cân thanh toán hay không thì cần xác định rõ người nước ngoài đó thuộc trường hợp nào căn cứ theo quy định đối với người cư trú tại Pháp lệnh ngoại hối hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm phải được lấy ý kiến rộng rãi từ những ai?
- Caption giáng sinh ngắn? Caption noel ý nghĩa? Lễ Giáng sinh người lao động nước ngoài có được nghỉ làm không?
- Đại hội Hội công chứng viên được triệu tập lần thứ 2 khi nào? Cơ quan chấp hành của Đại hội Hội công chứng viên là cơ quan nào?
- Ban Chấp hành Hội công chứng viên làm việc theo nguyên tắc gì? Hình thức bầu Ban Chấp hành Hội công chứng viên là gì?