Ghi nhãn để phân phối thịt bò bán tại các cửa hàng, siêu thị thì cần phải thể hiện những thông tin gì? Và thịt bò phải được bao bọc như thế nào?
Việc ghi nhãn thịt bò để đóng gói mang đi phân phối phải đảm bảo những thông tin gì?
Theo Mục 6 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò quy định về ghi nhãn dán như sau:
"6 Ghi nhãn
Việc ghi nhãn sản phẩm thịt trâu, bò mát phải được thực hiện theo các quy định hiện hành."
Từ quy định trên thì ta có thể căn cứ vào khoản 1 Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về ghi nhãn thực phẩm như sau:
"Điều 44. Ghi nhãn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”."
Và tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau:
"Điều 10. Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
a) Tên hàng hóa;
b) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
3. Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
a) Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
b) Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều này bằng phương thức điện tử.”
Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP như sau:
Việc ghi nhãn thịt bò để đóng gói mang đi phân phối phải đảm bảo những thông tin sau:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa.
- Định lượng;
- Ngày sản xuất;
- Hạn sử dụng;
- Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có);
Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Thông tin cảnh báo;
- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Cơ sở sản xuất thực phẩm từ thịt bò (Hình từ Internet)
Phải tiến hành bao bọc thịt bò như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt bò?
Theo tiểu mục 7.1 Mục 7 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò quy định về việc bao gói thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm như sau:
"7 Bao gói, vận chuyển, bảo quản, thời hạn sử dụng và truy xuất nguồn gốc
7.1 Bao gói
Bao bì, dụng cụ chứa đựng được làm bằng vật liệu đáp ứng các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn thực phẩm."
Từ quy định trên có thể căn cứ vào Điều 18 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm như sau:
"Điều 18. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
1. Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.
2. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản đăng ký công bố hợp quy đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm."
Như vậy, đối với việc bao gói thực phẩm thì phải vật liệu bao gói phải được sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng; đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Hiện tại, chỉ quy định đảm bảo về chất liệu bao gói thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chứ không quy định phải bao gói như thế nào, cơ sở sản xuất có thể tự bao gói thực phẩm của mình theo ý muốn miễn đảm bảo về chất liệu.
Nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản các thực phẩm là thịt bò là bao nhiêu độ C?
Hiện tại có 2 tiêu chuẩn về làm mát bảo quản thực phẩm là thịt bò. Đối với thực phẩm sau khi tiến hành giết mổ thì phải bảo quản theo quy định tại tiểu mục 4.2.4 Mục 4 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò như sau:
"4 Các yêu cầu
4.2 Yêu cầu về quá trình
4.2.4 Làm mát
Quá trình làm mát phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc quá trình giết mổ và bảo đảm tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ thấp hơn 7 °C và không thấp hơn -1,5 °C trong khoảng thời gian không quá 48 h."
Trường hợp đối với thực phẩm là thịt bò đã được bao gói, dán nhãn thì nhiệt độ bảo quản thích hợp thực hiện theo tiểu mục 7.2 và tiểu mục 7.3 Mục 7 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò như sau:
"7 Bao gói, vận chuyển, bảo quản, thời hạn sử dụng và truy xuất nguồn gốc
...
7.2 Vận chuyển
Thịt trâu, bò mát được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dụng, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến chất lượng thịt.
Trong suốt quá trình vận chuyển thịt trâu, bò mát phải luôn được duy trì nhiệt độ sản phẩm từ 0 °C đến 4 °C.
7.3 Bảo quản
Thịt sau khi làm mát, pha lọc, đóng gói phải luôn được bảo quản và duy trì nhiệt độ sản phẩm từ 0 °C đến 4 °C.
..."
Như vậy, phải đảm bảo tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ thấp hơn 7°C và không thấp hơn -1,5°C trong khoảng thời gian không quá 48h đối với trường hợp vừa giết mổ. Và đối với thưc phẩm đã được đóng gói thì thịt phải được làm mát duy trì nhiệt độ sản phẩm từ 0°C đến 4°C ngày cả trong quá trình vận chuyển thịt bò.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án đầu tư xây dựng có phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng khi dừng thực hiện vĩnh viễn không?
- Tên giao dịch quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là gì? Cơ quan giúp việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cơ quan nào?
- Bảng tổng hợp giá trị quy đổi chi phí đầu tư xây dựng công trình? Tải mẫu ở đâu? Trình tự quy đổi thế nào?
- Các hành vi vi phạm bị trừ 10 điểm Giấy phép lái xe đối với ô tô từ 01/01/2025 như thế nào?
- Chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73 đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang có được dùng mức lương cơ sở để tính thưởng?