Em gái ruột có được phép thăm anh trai cai nghiện ma túy không? Người cai nghiện ma túy có được phép về chịu tang khi bố mất không?
Cai nghiện ma túy là gì?
Căn cứ khoản 13 Điều 2 Luật Phòng, chống cai nghiện ma túy 2021 quy định cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này.
Có được phép thăm người đi cai nghiện ma túy không?
Điều 69 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện như sau:
- Người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
Người cai nghiện có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng, tổ chức phòng riêng để học viên thăm gặp vợ hoặc chồng.
- Cơ sở cai nghiện xây dựng quy chế thăm gặp theo theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Người cai nghiện được nhận và gửi thư, nhận tiền, quà (trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm). Cơ sở cai nghiện có trách nhiệm kiểm tra thư và các loại quà trước khi trao cho người cai nghiện. Riêng tiền hoặc giấy tờ có giá, người cai nghiện phải gửi vào bộ phận lưu ký của cơ sở cai nghiện bắt buộc và được sử dụng theo quy chế của cơ sở cai nghiện.
Như vậy, người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ. Theo đó, chị có thể đến thăm anh trai của mình.
Cai nghiện
Người cai nghiện ma túy có được về chịu tang khi bố mất không?
Căn cứ Điều 70 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về chế độ chịu tang như sau:
- Khi bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì người cai nghiện được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
- Trình tự thủ tục giải quyết chế độ chịu tang:
+ Gia đình người cai nghiện làm đơn đề nghị cho người cai nghiện về chịu tang, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người cai nghiện cư trú gửi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: họ tên, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mối quan hệ với người cai nghiện, thời gian đề nghị cho người cai nghiện được về chịu tang và cam kết quản lý, giám sát không để người cai nghiện sử dụng ma túy trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong thời gian về chịu tang theo Mẫu số 48 Phụ lục II Nghị định này.
+ Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Giám đốc cơ sở cai nghiện có trách nhiệm xem xét, quyết định việc cho người cai nghiện về chịu tang.
Quyết định cho phép về chịu tang phải gồm các nội dung: họ tên, thời gian được về chịu tang; trách nhiệm của gia đình trong việc đón, đưa trả về cơ sở cai nghiện, quản lý người cai nghiện trong thời gian về chịu tang. Quyết định được gửi cho gia đình người cai nghiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để phối hợp quản lý và lưu trong hồ sơ người cai nghiện theo Mẫu số 49 Phụ lục II Nghị định này.
- Gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đón người cai nghiện về và bàn giao người cai nghiện lại cho cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời gian chịu tang, mọi chi phí đưa, đón người cai nghiện do gia đình người cai nghiện chi trả. Việc giao và nhận người cai nghiện giữa cơ sở cai nghiện bắt buộc với gia đình phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ của người cai nghiện.
- Cơ sở cai nghiện phải kiểm tra sức khỏe, tình trạng sử dụng ma túy khi tiếp nhận người cai nghiện. Trường hợp quá thời hạn được nghỉ chịu tang mà người cai nghiện không trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì khi bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì người cai nghiện được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Theo đó, anh trai chị có thể về chịu tang bố mất trong thời gian tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Trình tự thủ tục giải quyết chế độ chịu tang được thực hiện theo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.