Dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người thì bắt buộc phải xin giấy phép môi trường đúng không?
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người thì bắt buộc phải xin giấy phép môi trường đúng không?
- Nội dung giấy phép môi trường cấp cho dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người gồm có những gì?
- Thời hạn của giấy phép môi trường cho dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người là bao lâu?
Dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người thì bắt buộc phải xin giấy phép môi trường đúng không?
Những đối tượng phải có giấy phép môi trường được quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, theo đó:
Đối tượng phải có giấy phép môi trường
1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
Bên cạnh đó, theo tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư thì dự án đầu tư nhóm I được quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020, như sau:
Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư
….
3. Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:
...
c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
…
Căn cứ vào Phụ lục III kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì dự án có yêu cầu di dân, tái định cư từ 10.000 người ở miền núi hoặc từ 20.000 người ở các vùng khác trở lên thuộc dự án đầu tư nhóm I.
Cho nên dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người nếu như có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thì phải có giấy phép môi trường.
Dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người thì bắt buộc phải xin giấy phép môi trường đúng không? (Hình từ Internet)
Nội dung giấy phép môi trường cấp cho dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người gồm có những gì?
Nội dung giấy phép môi trường được quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020, theo đó:
Nội dung giấy phép môi trường
1. Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).
2. Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:
a) Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;
b) Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;
c) Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
d) Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
đ) Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
…
Theo đó, nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường (nội dung cấp phép môi trường sẽ gồm những nội dung theo khoản 2 nêu trên); yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).
Thời hạn của giấy phép môi trường cho dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người là bao lâu?
Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020, theo đó:
Nội dung giấy phép môi trường
…
4. Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;
b) 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
c) 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
d) Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).
…
Theo đó, thời hạn của giấy phép môi trường cho dự án đầu tư có yêu cầu di dân trên 20.000 người là 07 năm.
Lưu ý, thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên gọi của hội cần phải bảo đảm những điều kiện nào? Tên gọi của hội được pháp luật quy định gồm những tên gọi nào?
- Tà dâm là gì? Dâm ô là gì? Mức phạt cao nhất cho hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi là bao năm tù giam?
- Tải về mẫu biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự mới nhất hiện nay? Hướng dẫn viết biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự?
- Giết người là gì? Giết 11 người đi tù mấy năm? Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người?
- Hợp đồng bảo đảm bị đơn phương chấm dứt thực hiện có làm chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm hay không?