Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có thể chi tiền lương cho viên chức theo nguyên tắc nào?
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có thể chi tiền lương cho viên chức theo nguyên tắc nào?
- Có thể sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên vào việc thuê nhà khoa học hay không?
- Các hoạt động chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên được chi theo định mức nào?
Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có thể chi tiền lương cho viên chức theo nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về các khoản chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên thuộc đơn vị nhóm 2 như sau:
Chi thường xuyên giao tự chủ
Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:
1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.
b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:
- Đối với đơn vị nhóm 1: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
- Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và phân phối tiền lương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền lương làm căn cứ xây dựng quỹ lương kế hoạch hằng năm để chi trả cho viên chức và người lao động, đảm bảo cân đối về lợi ích của người lao động và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Trường hợp mức chênh lệch thu lớn hơn chi đạt thấp hơn phương án tự chủ tài chính được phê duyệt thì đơn vị chủ động điều chỉnh giảm quỹ lương thực hiện theo tỷ lệ tương ứng với mức độ giảm chênh lệch thu lớn hơn chi của phương án tự chủ tài chính được duyệt nhưng phải đảm bảo mức chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.
Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, đơn vị sự nghiệp công được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. Mức dự phòng hằng năm do đơn vị quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi; trường hợp đơn vị không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì không được trích đủ 17%. Trường hợp năm trước liền kề đơn vị có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì đơn vị phải hoàn nhập dự phòng.
Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Đối chiếu với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP (hết hiệu lực vào ngày 15/8/2021) quy định liên quan đến việc sử dụng nguồn tài chính vào nội dung chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên cụ thể như sau:
Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
...
2. Sử dụng nguồn tài chính
...
b) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b (phần được để lại chi thường xuyên) và Điểm c Khoản 1 Điều này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:
- Chi tiền lương: Đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị (ngân sách nhà nước không cấp bổ sung).
- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý
Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
Đối với các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định. Tiền trích khấu hao tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách được hạch toán vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Có thể thấy, đối với nội dung chi tiền lương cho các nhân sự trong đơn vị sự nghiệp công, theo quy định trước đây, đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.
Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị (ngân sách nhà nước không cấp bổ sung).
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, vì đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018, do đó, kể từ sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, việc chi tiền lương đối với các nhóm đơn vị sự nghiệp công cũng tương ứng khác nhau, cụ thể theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Có thể sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên vào việc thuê nhà khoa học hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, quy định một trong những nội dung chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Chi thường xuyên giao tự chủ
...
2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường, khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cụ thể tương xứng với nhiệm vụ được giao và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Như vậy, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có thể sử dụng nguồn tài chính để chi thuê nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo mức chi quy định.
Các hoạt động chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên được chi theo định mức nào?
Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định như sau:
Chi thường xuyên giao tự chủ
...
3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý
a) Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị sự nghiệp công và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước;
b) Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với hoạt động chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có thể chia làm hai trường hợp:
- Trường hợp các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: không quy định một mức chi cụ thể mà sẽ căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị sự nghiệp công và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
- Trường hợp các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định: mức chi được quyết định căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ
>>> Xem thêm: Bảng lương viên chức mới nhất hiện nay Tải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết cấu bài kiểm tra để phục hồi điểm giấy phép lái xe theo Thông tư 65/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp nào?
- Cách viết biên bản kiểm phiếu đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm? Cơ sở đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm?
- Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “Thế trận lòng dân” gắn với nội dung gì theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 2030?
- Thuế tự vệ được gia hạn thời hạn áp dụng khi nào? Công thức tính thuế tự vệ theo mức thuế tuyệt đối thế nào?