Đối với nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng ai có thẩm quyền xét duyệt cho thuê nhà ở? Xét duyệt, bố trí thuê nhà ở công vụ được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
Đối với nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng ai có thẩm quyền xét duyệt cho thuê nhà ở?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 68/2017/TT-BQP quy định như sau:
Thẩm quyền, nguyên tắc xét duyệt, bố trí thuê nhà ở công vụ
1. Thẩm quyền: cấp ủy (Thường vụ), người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Bộ Quốc phòng giao đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xét, quyết định cán bộ, nhân viên được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Thông tư này.
...
Như vậy thẩm quyền xét duyệt cho thuê nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng gồm: cấp ủy (Thường vụ), người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Bộ Quốc phòng giao đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xét, quyết định cán bộ, nhân viên được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Thông tư 68/2017/TT-BQP.
Tải về mẫu hợp đồng thuê nhà ở công vụ mới nhất 2023: Tại Đây
Nhà ở công vụ (Hình từ Internet)
Xét duyệt, bố trí thuê nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 16 Thông tư 68/2017/TT-BQP quy định như sau:
Thẩm quyền, nguyên tắc xét duyệt, bố trí thuê nhà ở công vụ
...
2. Nguyên tắc xét duyệt
a) Dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, tiêu chuẩn;
b) Thứ tự ưu tiên xét duyệt theo quy định sau:
- Có quyết định điều động, luân chuyển công tác của cấp có thẩm quyền, thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội tại nơi đến công tác;
- Có quyết định điều động, luân chuyển công tác của cấp có thẩm quyền, đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình, được thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân trong hộ gia đình dưới 15 m2 sàn/người;
- Có quyết định điều động, luân chuyển công tác của cấp có thẩm quyền, có chồng hoặc vợ đã được thụ hưởng chính sách đất ở nhưng chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác.
c) Thực hiện xét duyệt bằng phương pháp tính điểm theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp những người được xét có số điểm bằng nhau thì thực hiện xét ưu tiên theo thứ tự: Cán bộ qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu; cấp bậc, chức vụ (cao trước, thấp sau); phạm vi (xa trước, gần sau); đối tượng chính sách (thương binh, con liệt sĩ, con thương binh, hoàn cảnh gia đình khó khăn...); đối tượng có học hàm, học vị cao; có thành tích trong công tác; có vợ, con hoặc người thân là bố, mẹ cùng ở;
d) Đối với cán bộ giữ chức vụ từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên có nhu cầu thuê nhà ở công vụ nếu đủ điều kiện, được ưu tiên bố trí cho thuê nhà ở công vụ.
3. Nguyên tắc bố trí
a) Bố trí nhà ở công vụ cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này. Trường hợp một người đảm nhiệm nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ thì được áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo chức danh cao nhất;
b) Trường hợp do không đủ loại nhà ở công vụ để bố trí theo tiêu chuẩn, căn cứ vào quỹ nhà ở công vụ hiện có, cơ quan, đơn vị xét duyệt bố trí cho thuê; người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê theo diện tích sử dụng thực tế ghi trong hợp đồng, giá thuê theo quy định tại Điều 18 Thông tư này
Như vậy việc xét duyệt, bố trí thuê nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc theo quy định này.
Hợp đồng thuê nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 68/2017/TT-BQP quy định như sau:
Hợp đồng thuê nhà ở công vụ
1. Việc cho thuê nhà ở công vụ phải được lập thành Hợp đồng theo Mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hợp đồng thuê nhà ở công vụ phải được đính kèm theo Bản nội quy sử dụng nhà ở công vụ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 13 Thông tư này:
a) Giá cho thuê nhà ở công vụ thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư này;
b) Thời hạn cho thuê nhà theo thời hạn mà người thuê nhà được bổ nhiệm, điều động công tác nhưng tối đa không quá năm (05) năm. Khi hết hạn hợp đồng mà người thuê vẫn thuộc diện được tiếp tục thuê nhà ở công vụ, nếu cơ quan quản lý cán bộ có văn bản đề nghị thì Bên cho thuê và Bên thuê nhà ở công vụ tiến hành ký kết hợp đồng mới theo quy định tại Điều này;
c) Đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ có trách nhiệm gửi hợp đồng đã được hai Bên ký kết cho cơ quan quản lý nhà ở công vụ và cơ quan, đơn vị quản lý người thuê để phối hợp theo dõi, quản lý.
Như vậy hợp đồng thuê nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng được soạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 68/2017/TT-BQP.
Và hợp đồng thuê nhà ở công vụ phải được đính kèm theo Bản nội quy sử dụng nhà ở công vụ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư 68/2017/TT-BQP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?