Doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác sẽ bị xử phạt thế nào?
- Vấn đề bảo vệ nước dưới đất được quy định thế nào?
- Doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác sẽ bị xử phạt thế nào?
- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác không?
Vấn đề bảo vệ nước dưới đất được quy định thế nào?
Theo Điều 35 Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về bảo vệ nước dưới đất như sau:
Bảo vệ nước dưới đất
1. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
3. Ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước dưới đất.
Theo đó, vấn đề bảo vệ nước dưới đất được thực hiện theo quy định tại Điều 35 nêu trên.
Trong đó có quy định ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước dưới đất.
Công trình khai thác nước dưới đất (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác sẽ bị xử phạt thế nào?
Căn cứ khoản 8, điểm b, điểm c khoản 11 Điều 22 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước như sau:
Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước
...
8. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định.
...
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện việc tóm lấp giếng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều này;
b) Buộc phá dỡ công trình vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại khoản 8 và khoản 9 Điều này;
c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 360.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.
Đồng thời doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc phá dỡ công trình vi phạm và thực thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác không?
Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Như vậy, doanh nghiệp xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 400.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường không có quyền xử phạt doanh nghiệp này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 15/12/2024 theo Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT?
- Trong vụ việc dân sự, yêu cầu nào về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định?
- Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 15/12/2024 theo Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT?
- Đáp án Vì an toàn giao thông Thủ đô 2024 vòng 2 cấp THPT, THCS trắc nghiệm trực tuyến trên internet ra sao?
- 3 phù hợp 3 lợi ích khi triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID?