Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định dựa theo những tiêu chí nào? Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào?
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về các tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như sau:
- Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ:
+ Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
+ Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
- Đối với doanh nghiệp nhỏ:
+ Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
+ Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
- Doanh nghiệp vừa:
+ Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.
+ Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định dựa vào các tiêu chí về số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm, tổng doanh thu của năm hoặc tổng nguồn vốn của năm.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nguyên tắc hỗ trợ và những hành vi bị cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
* Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Điều 5 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các nguyên tắc sau:
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
- Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất; Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Những hành vi bị cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bên cạnh việc thực hiện các nguyên tắc trên, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đảm bảo không thuộc các hành vi bị cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 7 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 như sau:
-. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết.
Những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP
* Hỗ trợ công nghệ
Theo Điều 11 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ công nghệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.
- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
* Hỗ trợ thông tin
Chính sách hỗ trợ thông tin đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 12 Nghị định 80/2021/NĐ-CP như sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 trên Cổng thông tin và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp tài khoản trên Cổng thông tin để cung cấp các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; công khai, theo dõi và cập nhật thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 29 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu cung cấp thông tin, tương tác và kết nối với các đối tác tham gia trên Cổng thông tin có thể đề nghị cấp tài khoản. Tài khoản sử dụng trên Cổng thông tin được quản lý tập trung trên Cổng thông tin.
* Hỗ trợ tư vấn
Theo Điều 13 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định việc hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành) như sau:
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
+ Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xã hội;
+ Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp xã hội.
* Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 14 nghị định 80/2021/NĐ-CP như sau:
- Hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp:
+ Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và tối đa 70% tổng chi phí của một khóa quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
+ Miễn học phí cho học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội khi tham gia khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo trực tuyến về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp:
+ Miễn phí truy cập và tham gia các bài giảng trực tuyến có sẵn trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa truy cập hệ thống đào tạo trực tuyến để học tập theo thời gian phù hợp. Hệ thống đào tạo trực tuyến bao gồm nền tảng quản trị đào tạo trực tuyến, nền tảng đào tạo trực tuyến và hệ thống nội dung bài giảng trực tuyến.
+ Miễn phí tham gia các khóa đào tạo trực tuyến, tương tác trực tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các công cụ dạy học trực tuyến có sẵn ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh của đối tượng được đào tạo (Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Classroom và các công cụ khác).
- Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến:
+ Hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo nghề: Hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận. Người lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng điều kiện đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục trước khi tham gia khoá đào tạo.
Như vậy, việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ chung đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên việc thực hiện những chính sách hỗ trợ này phải đảm bảo đúng nguyên tắc và không thuộc các hành vi bị cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?
- Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường mới nhất? Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?
- Chương trình hội nghị kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn, ý nghĩa? Chương trình kiểm điểm Đảng viên năm 2024?
- Báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024? Cách viết báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024 như thế nào?