Doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải có thời gian hoạt động ít nhất bao lâu? Có bắt buộc phải thế chấp tài sản không?
Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của những cơ quan nào thì được bảo lãnh Chính phủ?
Bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:
Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ
1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
2. Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Như vậy, theo quy định, doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của những cơ quan nào thì được bảo lãnh Chính phủ? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải có thời gian hoạt động ít nhất bao lâu?
Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:
Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ
1. Doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;
b) Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh;
d) Bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;
đ) Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
e) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
g) Có phương án tài chính được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
h) Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án.
2. Ngân hàng chính sách của Nhà nước được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
c) Khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.
...
Như vậy, theo quy định, doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải có thời gian hoạt động ít nhất là 03 năm.
Doanh nghiệp được bảo lãnh Chính phủ có bắt buộc phải thế chấp tài sản không?
Việc thế chấp tài sản đối với doanh nghiệp được bảo lãnh Chính phủ được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:
Quản lý bảo lãnh Chính phủ
1. Đối tượng được bảo lãnh phải nộp phí bảo lãnh theo mức độ rủi ro của từng chương trình, dự án nhưng tối đa là 2%/năm trên dư nợ được bảo lãnh. Phí bảo lãnh được trích một phần cho công tác quản lý bảo lãnh Chính phủ.
2. Đối tượng được bảo lãnh phải thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
3. Việc chuyển nhượng, chuyển giao quyền, nghĩa vụ của bên cho vay liên quan đến khoản vay được Chính phủ bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và phải được thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Tài chính. Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
4. Việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của đối tượng được bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và được bên cho vay chấp thuận. Đối tượng được bảo lãnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của đối tượng được bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
6. Việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp của tổ chức, cá nhân trong danh sách cổ đông sở hữu từ 65% cổ phần trở lên đã đăng ký với Bộ Tài chính tại thời điểm xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
...
Theo quy định thì đối tượng được bảo lãnh phải thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Như vậy, doanh nghiệp được bảo lãnh Chính phủ phải thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?
- Ngân hàng là gì? Ngân hàng có những loại hình nào? Hình thức pháp lý của ngân hàng là gì theo quy định?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?